(CMO) Trước tình hình giá heo hơi tăng chóng mặt những ngày qua và đạt đỉnh cao chưa từng có trong 3 năm qua, nhiều hộ chăn nuôi heo trong tỉnh đang ráo riết tìm mua heo giống để tái đàn. Tuy nhiên, nguồn cung đang khan hiếm trầm trọng, đẩy giá tăng cao.Giá heo hơi tăng cao kỷ lục Sau thời gian dài giữ ổn định ở mốc 40-45 ngàn đồng/kg, hơn tuần nay giá heo hơi trên thị trường liên tục tăng kỷ lục. Nhiều “ông lớn” trong ngành chăn nuôi và kinh doanh heo như Tập đoàn Dabaco, Vissan, CP cũng điều chỉnh giá heo hơi khi bán ra thị trường lên mốc 50-60 ngàn đồng/kg, tuỳ theo chất lượng heo. Tập đoàn CP điều chỉnh giá từ mức 48 ngàn đồng/kg lên 53-56 ngàn đồng; Tập đoàn Vissan nâng lên 57 ngàn đồng/kg, đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm qua. Anh Trần Văn Hớn, thương lái kinh doanh heo trên địa bàn huyện Cái Nước, cho biết, giá heo tăng cao từng ngày. Mỗi địa phương, mỗi người mua đưa ra một mức giá khác nhau để mua được nguồn hàng. Nếu so với nửa tháng 9, giá heo hơi trên thị trường đã tăng trên 10 ngàn đồng/kg và đang ở mức 55-60 ngàn đồng/kg. Dự báo thời gian tới giá heo sẽ còn tiếp tục tăng khi nguồn heo trong dân gần như cạn kiệt vì dịch bệnh kéo dài, người nuôi chưa kịp tái đàn. Hiện giá thịt ba rọi khi đến tay người tiêu dùng đã tăng 10 ngàn đồng/kg, các loại thịt khác tăng 8-9 ngàn đồng/kg. Giá các loại thịt như đùi, vai, ba chỉ… ở mức 95-100 ngàn đồng/kg. Anh Hớn cho biết thêm, dù giá tăng cao nhưng vẫn không tìm ra heo “ruộng” (heo sạch) để mua vì dịch tả heo châu Phi khiến lượng heo trong dân không còn nhiều. Số heo còn “sót” lại người nuôi "ghim hàng" chờ giá lên tiếp. Giá tăng liên tục từng giờ, người chăn nuôi bán hàng sợ "hớ" nên ai cũng muốn "ghim" lại tại chuồng chờ giá lên tiếp. Hiện nay, mỗi ngày heo lên 2-3 giá, vừa sáng đang ở một mức thì đến trưa, chiều thương lái đã đưa ra mức giá khác. Đây là lý do khiến người chăn nuôi chủ động "ém" heo tại chuồng, mong ngóng mức giá cao hơn. Khan hiếm nguồn heo giống Ông Dương Minh Trung, người chăn nuôi heo ở Khóm 3, Phường 8, TP Cà Mau, lấy làm tiếc khi nghe thông tin giá heo tăng vùn vụt. Cách đây gần 2 tháng, đàn heo trên 80 con, lớn, nhỏ đều bị bệnh chết do nhiễm dịch tả heo châu Phi, tổng thiệt hại ước đến gần 150 triệu đồng. Giờ chuồng trại trống trơn, nợ nần chồng chất vẫn chưa trả được. Tiền hỗ trợ từ Nhà nước không biết đến khi nào mới được nhận để đầu tư tái đàn. Hiện cả gia đình ông làm thuê nhiều việc khác nhau để kiếm tiền trang trải nợ nần và lo cuộc sống gia đình. Cách đó không xa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thắng cũng bị thiệt hại gần 20 con heo trong đợt dịch vừa qua. Qua gần 2 tháng dập dịch, gia đình ông đang dọn vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mua heo giống để tái đàn, nhưng cũng không thể tìm mua được con giống, dù chấp nhận giá cao.
Đàn heo giống tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cũng bị dịch tả heo châu Phi tấn công, vì vậy, khi nhu cầu nguồn heo giống tăng cao càng đẩy cơn sốt giá heo giống thêm căng thẳng. Heo giống tốt hiện ở mức cao, từ 1,2-1,5 triệu đồng/con (10-12 kg). Nguồn heo giống hiện tại là ở các trang trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, số lượng heo giống của trang trại cũng không còn dồi dào như trước. Trong bối cảnh hiện nay, các trang trại này phải chủ động con giống để tự tái đàn, vì vậy, nguồn cung vốn đã hiếm nay lại càng khó hơn. Ông Lâm Văn On, hộ nuôi heo nái giống ở xã Tân Thành, TP Cà Mau, cho biết, đợt dịch quét qua làm đàn heo tan tác nên hiện nay người chăn nuôi muốn tái đàn cũng không có con giống, tình trạng thiếu nguồn cung, tăng giá là lẽ đương nhiên. Hiện giá heo giống tốt tăng từ 200-400 ngàn đồng/con so với trước. Heo mới đẻ đã có người giành nhau đặt mua, bao nhiêu con cũng không đủ bán. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp Giá heo hơi tăng cao, người chăn nuôi nôn nóng tái đàn để đón giá được dự báo tăng cao vào cuối năm, nếu không kiểm soát, nhất là các biện pháp an toàn sinh học, khả năng dịch tả châu Phi sẽ quay trở lại và diễn biến phức tạp. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy cho biết, tính đến ngày 18/10, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 80 xã, phường, thị trấn của TP Cà Mau và tất cả các huyện trong tỉnh, số lượng heo buộc tiêu huỷ khoảng 8.800 con, trọng lượng trên 555 tấn. Trong đó, có 5 xã gồm: Hàm Rồng, Hiệp Tùng và Lâm Hải thuộc huyện Năm Căn; Xã Tắc Vân thuộc TP Cà Mau và xã Quách Phẩm thuộc huyện Đầm Dơi đã qua 30 ngày. Còn lại 75 xã ở 8 huyện là Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước và TP Cà Mau các ổ dịch chưa qua 30 ngày. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại những địa phương đang có dịch và lây lan ra những địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Do đó, các địa phương cần phải tăng cường giám sát và thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch đồng bộ, không được chủ quan, lơ là, vì đây là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tính chất lây lan rất nhanh và có đường lây truyền khó kiểm soát. Cần giám sát chặt chẽ, xử lý quyết liệt để tránh dịch tái phát đối với những địa phương đã qua 30 ngày; Trong đó, tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ lợi ích từ việc chăn nuôi an toàn sinh học cũng như công tác tiêu độc khử trùng. "Để đảm bảo cân đối cung cầu, người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm thay thế thịt heo bằng thịt gà, cá, hải sản. Còn với người nuôi, nên tái đàn khi điều kiện cho phép. Song song đó, thay vì giữ giá "găm" hàng chờ tăng thì hộ chăn nuôi nên xuất heo đúng trọng lượng 100-120 kg/con để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Tránh trường hợp giữ heo chờ giá tạo thị trường khan hiếm", ông Huy khuyến cáo./. Trung Đỉnh |