Bất động sản vẫn tăng giá hậu Covid-19 | |
TPHCM không để tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản |
Nhiều cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản phía Đông TPHCM. Ảnh S.T |
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến lĩnh vực bất động sản bị tác động không nhỏ. Tuy nhiên, giao dịch bất động sản khu vực phía Đông vẫn tăng. Không chỉ các dự án hiện hữu, nhiều dự án đang triển khai cũng bắt đầu đưa ra mặt bằng giá bán mới cao hơn so với giai đoạn trước đó.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com, giá căn hộ được chào bán tại ba quận 2, 9 và Thủ Đức tăng mạnh nhất thị trường TPHCM, đặc biệt ở dòng sản phẩm chung cư cao cấp. Điển hình, tại quận 9, một dự án biệt thự và nhà vườn đang được chủ đầu tư chào bán từ 45 triệu/m2 và sau khi có thông tin Thủ tướng ủng hộ việc thành lập thành phố Thủ Đức dự án này ghi nhận lượng khách cao gấp ba lần so với trước đó.
Ngoài ra, nhiều căn hộ hiện hữu có giá khởi điểm 30-35 triệu/m2 ở năm 2019 hiện đã leo lên 37-40 triệu/m2. Giá chung cư thứ cấp trên các tuyến Đồng Văn Cống, Xa Lộ Hà Nội cũng có xu hướng tăng lên 300 - 400 triệu đồng/căn so với đầu năm 2019.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, cùng với việc thành lập TP Thủ Đức, khu vực này đang có nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy bất động sản. Cụ thể, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang dần về đích, Bến xe Miền Đông mới đã vận hành và cầu Thủ Thiêm 2 sắp hoàn thành...
"Dù hiện nay nguồn cung căng thẳng, nhưng theo dữ liệu chúng tôi có được, đến năm 2025, nguồn cung căn hộ khu Đông TP.HCM sẽ lên đến gần 200.000 căn, tăng gấp 4 lần so với năm 2015", ông Kiệt cho biết thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam dự báo, các dự án sắp được ra mắt vẫn tập trung ở khu Đông và khu vực này tiếp tục dẫn dắt thị trường. Lý do chính xuất phát từ vị trí đặc biệt của khu Đông, nơi cửa ngõ nối thành phố với các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị TPHCM. Đồng thời, khu Đông được định hướng quy hoạch là khu đô thị sáng tạo. Ngoài ra, một yếu tố khác kích thích thị trường khu Đông là sự tập trung đầu tư bài bản, chất lượng… của các chủ đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, thành phố Thủ Đức tương lai chính là khu vực năng động nhất ở cửa ngõ phía Đông của TPHCM. Không chỉ nhờ vị trí thuận lợi mà còn được Nhà nước và các địa phương đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ từ cảng biển nước sâu, sân bay, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai, các khu công nghiệp lớn trong vùng… Khu vực này cũng đã và đang được đầu tư về hạ tầng, dịch vụ, TPHCM cũng sẽ chuyển hướng về đây những lĩnh vực công nghệ cao, mang tính thân thiện môi trường, do đó tiềm năng phát triển sẽ là rất lớn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho rằng, việc thành lập thành phố phía Đông đang tác động mạnh đến thị trường. Hiện nay, việc thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ đem đến lợi ích trước tiên cho phân khúc bất động sản công nghiệp và các khu công nghệ cao. Thành phố phía Đông sẽ được xây dựng theo mô hình khu đô thị sáng tạo. Vì vậy, phân khúc bất động sản nhà ở, căn hộ, văn phòng cao cấp đang có rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, bên cạnh phát triển bất động sản cao cấp cũng phải chú trọng bất động sản bình dân vì thành phố phía Đông sẽ phải giải quyết nhu cầu nhà ở cho một triệu người dân địa phương.
Song theo các chuyên gia, dù bất động sản phía Đông đang tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, nhưng thời điểm này không dành cho đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Nhà đầu tư cần xác định đây là khoản đầu tư tương đối dài hạn, từ 2 - 3 năm, chứ không thể rút khỏi thị trường trong ngắn hạn như trước đây. Nhà đầu tư có vốn mỏng không nên mạo hiểm trong lúc này. Nếu dùng đòn bẩy tài chính thì cũng không nên quá 50% so với số vốn tự có.