Theo đó, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2017 thu hút 1.183 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,84 tỷ USD, tăng 56,3% về số dự án và tăng 57,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, có 549 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,14 tỷ USD. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017 có 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,25 tỷ USD.
Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 6 tháng đầu năm đạt 19,23 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5,25 tỷ USD, chiếm 44,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Theo đó có ba dự án “tỷ đô” góp phần làm thay đổi ngoạn mục vị trí dẫn đầu của địa phương tiếp nhận nguồn vốn và quốc gia đầu tư. Cụ thể là Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD, Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 có tổng vốn đầu tư 2,1 tỷ USD và Dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn tại Kiên Giang có tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,3 tỷ USD.
Với dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Thanh Hoá, Nhật Bản đã quay trở lại với vị trí quán quân trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017. Nhờ dự án lớn này, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong 6 tháng đầu năm 2017.