Vì sao chậm giảm lãi suất huy động?ảmlãisuấtchovaygặptrởlựclớntừnợxấxem trực tiếp c1 hôm nay
Kể từ ngày 26/9/2016, lãi suất huy động từ dân cư và các tổ chức của các ngân hàng thương mại lớn có sở hữu nhà nước, bao gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV đồng loạt giảm từ 0,3% - 0,5% cho tất cả các kỳ hạn ngắn dưới một năm.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã tạo tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất huy động vào cuối quý III vừa qua. Tuy nhiên, dường như chưa có sự liên thông tức thời giữa lãi suất trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất huy động từ các tổ chức và dân cư.
BVSC cho rằng, sự “lệch pha” về kỳ hạn giữa dòng vốn trên thị trường 2 liên ngân hàng (đa phần mang tính ngắn hạn trên khung tuần) và thị trường 1 từ tổ chức và dân cư (đa phần với các kỳ hạn 1 tháng trở lên) có thể là nguyên nhân gây ra độ trễ nêu trên.
Thêm vào đó, theo BVSC, động lực chủ yếu giúp tăng trạng thái dư thừa thanh khoản của hệ thống đến từ hoạt động mua dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lại rất khó đoán định về mức độ cũng như khả năng tiếp diễn, nên các NHTM cũng giữ tâm lý thận trọng nghe ngóng. Chỉ đến khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu lạm phát tháng 9 vẫn ở mức tương đối thấp (tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước) và không loại trừ khả năng có tín hiệu “bật đèn xanh” từ NHNN nên top các ngân hàng lớn đã yên tâm hơn và có quyết định cắt giảm lãi suất huy động vào cuối tháng 9.
Nợ xấu là lực cản rất lớn để giảm lãi suất cho vay
Theo nhận định của BVSC, xu hướng lãi suất trong thời gian tới tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động điều tiết cung tiền của NHNN và một phần từ quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). NHNN sẽ phải cân đối giữa việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng và những áp lực từ hai yếu tố lạm phát – tỷ giá theo tính mùa vụ cuối năm.
Công ty này cho rằng, mặc dù áp lực từ lạm phát và tỷ giá có thể sẽ tăng dần trong những tháng cuối năm, nhưng rủi ro chưa quá lớn (được nhận định trong các phần tương ứng của báo cáo). Trong bối cảnh đó, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ được ưu tiên hơn, nhất là khi mức tăng trưởng đang có phần chậm lại so với cùng kỳ. Tuy vào cuối tháng 9, Kho bạc Nhà nước lại tiếp tục điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu tăng thêm 31.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sớm kế hoạch phát hành 250.000 tỷ đồng cho cả năm 2016, nhưng mức điều chỉnh này không gây nhiều áp lực lên lãi suất.
“Với những cơ sở đó, mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ và có thể lan tỏa trên diện rộng hơn, bao gồm cả sự tham gia của nhóm các NHTM top trung, hoặc đi ngang giữ ở mức thấp tương đối, trong kịch bản FED tăng lãi suất. Cũng ở kịch bản này, trong thời gian tới, mặc dù có thể gây ra những biến động ngắn hạn đối với tỷ giá, nhưng lại giúp làm giảm áp lực đối với giá hàng hóa và lạm phát nói chung”, BVSC cho hay.
Còn về trung hạn, BVSC khẳng định, “việc xử lý các vấn đề mang tính cấu trúc của hệ thống NHTM, trong đó có nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống sẽ có ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất tín dụng. Mục tiêu cắt giảm lãi suất cho vay đang gặp phải một rào cản rất lớn mang tính cấu trúc là nợ xấu”.
Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng nợ xấu trong hệ thống NHTM là trên 129.900 tỷ đồng – tính theo tỷ lệ 2,58% dư nợ tín dụng trong cùng thời kỳ. Theo số liệu của NHNN, tổng nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm là 59.700 tỷ đồng; trong đó 52% do khách hàng tự trả nợ, 15% bán lại cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), 12% do các ngân hàng dùng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, phần còn lại là các hình thức khác.
Như vậy, “phần nhiều trong kết quả xử lý nợ xấu là do khách hàng tự trả nợ, nhưng bao nhiêu phần trong số này là do khách hàng vay nợ mới để trả nợ cũ trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng trở lại?”, BVSC đặt câu hỏi.
Do vậy, “việc xử lý nợ xấu vẫn cần những luật lệ rõ ràng hơn về quyền tài sản, thực thi các giao dịch có tài sản đảm bảo và thực thi phá sản để có thể giải quyết vấn đề một cách thực chất hơn. Hơn nữa, việc tái cấu trúc hệ thống NHTM cũng cần được đẩy mạnh để không những hỗ trợ giải quyết nợ xấu, mà còn giúp hệ thống NHTM phát triển lành mạnh hơn trong tương lai”, BVSC cho biết thêm./.
D.T