Thông tin hội nhập nhiều như ăn buffet
Trong buổi họp báo mới đây của Bộ Công Thương, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) cho biết, cách đây 8 năm khi Việt Nam gia nhập WTO, thông tin tuyên truyền về hội nhập chỉ được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đưa ra nên nội dung thông tin đó chuẩn xác và có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, bên cạnh thông tin chính thống từ Bộ Công Thương, các bộ ngành cũng đưa ra nhiều nguồn tin khác nhau về hội nhập. Tin tức về hội nhập kinh tế quốc tế được lấy từ nhiều nguồn, nhiều tổ chức khác nhau, kể cả các tổ chức không chính thống…
Theo ông Trịnh Minh Anh, không chỉ các bộ tổ chức hội nghị, hội thảo, mà nhiều tổ chức kinh tế, thậm chí cả trường học cũng tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin hội nhập cho doanh nghiệp.
Trong số đó, không ít trường hợp cung cấp theo kiểu cảnh báo khiến doanh nghiệp cảm thấy e sợ, dè chừng… Điều này khiến cho doanh nghiệp đứng trước tình trạng “choáng ngợp” trước thông tin hội nhập, dẫn đến doanh nghiệp không biết chọn lựa thông tin nào hữu ích, thông tin nào đúng và phù hợp để chuẩn bị cho hội nhập.
Thêm nữa, việc tổ chức quá nhiều hội thảo, nhưng có những hội thảo hoặc là quá chi tiết, hoặc không có trọng tâm, trọng điểm, nên không mang lại hiệu quả và lợi ích cho doanh nghiệp.
“Đứng trước một “mớ” hỗn độn các thông tin đó, các doanh nghiệp giống như một người lần đầu tiên được vào ăn tiệc buffet, không biết lựa chọn món ăn nào”, ông Trịnh Minh Anh ví von.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi tập huấn, đưa thông tin với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và giải thích cặn kẽ từng bước cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần gì?
Khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin liên quan đến hội nhập giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại”.
Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng, những thông tin về hội nhập mới chỉ ở khía cạnh thông tin đàm phán, vấn đề về khuynh hướng... Ví dụ, một số FTA đã ký kết gần đây Việt Nam như FTA với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Với EU đang dừng ở việc kết thúc đàm phán, chưa đi vào thực thi. Thông tin chung về những FTA này đã được tuyên truyền tốt, song những thông tin cụ thể như thuế từng mặt hàng như thế nào, mặt hàng nào giảm về 0%... vẫn chưa cung cấp cho doanh nghiệp.
“Phải có thông tin cụ thể thì mới có thể đánh giá được việc doanh nghiệp có thờ ơ hay không thờ ơ với hội nhập. Quan trọng là doanh nghiệp cần cái gì về thông tin hội nhập”, ông Hòe nói.
Theo ông Hòe, đối với doanh nghiệp thủy sản, vấn đề thuế không phải là vấn đề quyết định có xuất được hay không bởi đa số các dòng thuế của mặt hàng này đã cơ bản. Điều doanh nghiệp quan tâm hơn nữa là vấn đề bản quyền, môi trường, lao động... Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp phải tiếp cận giống như thách thức cho doanh nghiệp.
Nếu nhìn vào cách thức tuyên truyền FTA Việt Nam-EU giữa Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam thì có thể nhận thấy ngay cách tuyên truyền như thế nào sẽ hiệu quả.
Còn nhớ, ngày 4-8, Bộ Công Thương tổ chức họp báo kết thúc cơ bản đàm phán FTA Việt Nam-EU. Tuy nhiên, những thông tin trong buổi họp báo mới chỉ dừng ở những thông tin chung chung theo kiểu Việt Nam sẽ được hưởng lợi, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với hơn 99% số dòng thuế...
Ngay sau đó 1 ngày (tức ngày 5-8), Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu rất nhiều thông tin bổ ích cho doanh nghiệp. Theo đó, thuế nhiều mặt hàng, lộ trình giảm thuế, cam kết về hạn ngạch... được cung cấp một cách chi tiết.
Do đó, cách tuyên truyền về hội nhập không nên chỉ dừng ở những thông tin chung chung mà cần đi vào thông tin cụ thể-chính là điều doanh nghiệp cần-để doanh nghiệp có thể tận dụng tốt nhất cơ hội do các FTA.
Phía Bộ Công Thương đã xây dựng đề án “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa thông tin tuyên truyền theo hướng: Phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, để tránh chồng chéo cho các bộ ngành; tuyên truyền có trọng tâm trọng điểm rõ ràng; có bộ tài liệu chuẩn và tổ chức nhiều loại hình thông tin chứ không riêng tổ chức hội thảo; bao gồm đăng tải thông tin trên mạng, qua website của bộ ngành, phát tài liệu in dạng tờ rơi và giải thích rõ ràng cho doanh nghiệp; khuyến nghị các bộ, ngành thành lập bộ phận giải thích về các cam kết hội nhập cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn và nắm bắt thông tin. |