Cùng với đó, mức trích lập dự phòng đã giảm ở nhiều ngân hàng khi nợ xấu đã xử lý được một lượng đáng kể. Tuy nhiên, những thách thức phía trước với các ngân hàng cũng không hề nhỏ.
Tăng trưởng tín dụng giảm nhưng lợi nhuận tăng mạnh
Theo đánh giá mới đây của SSI Retail Research, các ngân hàng Việt Nam đạt tăng trưởng mạnh trong quý đầu tiên của năm. Đa số những ngân hàng niêm yết đều đạt mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh quý I. Lợi nhuận trước thuế tăng 51,8% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhờ thu nhập từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh và chi phí trích lập dự phòng giảm.
Về thu nhập lãi thuần, dù mức tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng lớn giảm so với quý I năm ngoái, với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 3,5% vào quý I/2018, thấp hơn so với mức tăng trưởng 4,3% vào quý I/2017, nhưng tăng trưởng thu nhập lãi thuần đã cao hơn so với quý I/2017. Lãi suất cho vay trung bình và hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng niêm yết đều cải thiện, khi ngày càng nhiều ngân hàng mở rộng mạnh mẽ sang mảng ngân hàng bán lẻ. Trung bình, hệ số NIM của các ngân hàng niêm yết tăng từ 3,98% vào quý I/2017 lên 4,07% trong quý I/2018.
Thu nhập ngoài lãi tại một số ngân hàng cũng tăng trưởng rất mạnh, như HDBank tăng 472 tỷ đồng (tăng 261,4% so với cùng kỳ), VPBank tăng 1,63 nghìn tỷ đồng (tăng 183%), BIDV tăng 2,1 nghìn tỷ đồng (tăng 95,4%), MB tăng 940 tỷ đồng (tăng 90%) và Vietcombank tăng 3,72 nghìn tỷ đồng (tăng 85,3%). Thu nhập từ các khoản nợ xấu đã xóa cũng tăng mạnh tại nhiều ngân hàng, đóng góp nhiều hơn vào tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, năm 2018, tỷ lệ chi phí trích lập dự phòng trên tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh giảm rõ rệt tại các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp và đã xử lý hết (hoặc gần hết) trái phiếu VAMC như ACB, MB, Vietcombank và Techcombank. Đối với BIDV, vốn đang sở hữu một lượng lớn trái phiếu VAMC chưa giải quyết, tỷ lệ này lại tăng đáng kể, thể hiện nỗ lực của ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. VPBank cũng tăng chi phí trích lập dự phòng nhằm xử lý các khoản nợ xấu tăng lên đáng kể trong quý này.
Áp lực tăng vốn của các ngân hàng rất lớn
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, trong nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua, các ngân hàng đã phải tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu. Một động thái rõ nhất là các ngân hàng tầm trung tập trung nhiều vào tín dụng tiêu dùng, là lĩnh vực có biên lợi nhuận cao. Những ngân hàng có lợi nhuận tăng cao nhất thời gian qua là những ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, vừa qua nhiều ngân hàng đã tăng một số loại phí trước áp lực nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Đánh giá xu thế tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là phù hợp quy luật, tuy nhiên các chuyên gia nhấn mạnh về năng lực kiểm soát rủi ro của các ngân hàng, bởi tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực có mức độ rủi ro rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, điều quan trọng để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn là các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để nâng tỷ lệ an toàn vốn. Tuy nhiên, việc tăng vốn phải tránh được bài học trước đây là vẫn có những ngoại lệ được “khất”, “hoãn” hoặc tăng vốn nhưng không phải tiền thật mà bằng các hình thức sở hữu chéo, đầu tư chéo.
Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG), năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II thì nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước. Với các ngân hàng thương mại nhà nước, sở dĩ áp lực tăng vốn càng lớn và kéo dài do hiện tại CAR của các ngân hàng này đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.
“Tỷ lệ CAR yêu cầu là trên 9%, các ngân hàng đều báo cáo trên mức này và bình quân 13%. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu là nếu tính đúng tính đủ theo thông lệ thì không đạt như vậy, nên thực tế các ngân hàng vẫn không có nền tảng vốn chủ sở hữu mạnh”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Từ nay tới cuối năm 2020, do nhu cầu vốn tự có tăng thêm là rất lớn, UBGSTCQG ước tính các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 – 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Do đó, các ngân hàng này cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp việc bổ sung vốn để đáp ứng được yêu cầu vào năm 2020.
H.Y