Xây dựng tình đoàn kết với bạn |
Ở dân thương
Chuyến trở lại xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), tôi ghé thăm bà Lê Thị Chung, người phụ nữ lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn, từng được Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế và một số đơn vị khác cùng mạnh thường quân giúp xây dựng nhà “Nghĩa tình biển đảo”. Giàn hoa giấy vẫn nở bình yên trước ngõ. Bà Chung vắng nhà, nhưng hàng xóm láng giềng hồ hởi nhắc lại những ngày cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây lưng áo đẫm mồ hôi, giúp công xây dựng. Từ việc trộn vật liệu đúc những viên bờ lô, đến khi ngôi nhà hoàn thành khang trang, ấm áp.
“Chú Tiến đồn trưởng” là cái tên mà bà con nhắc rất nhiều trong nỗi nhớ mộc mạc: Nhớ chú Tiến chạy lui chạy tới, khảo sát tình hình ngôi nhà dột nát trước kia; chú Tiến tìm tòi, kết nối, kêu gọi mạnh thường quân; nhớ chú Tiến dãi nắng dầm gió cùng cán bộ, chiến sĩ và nhớ nụ cười hạnh phúc của chú Tiến khi ngôi nhà hoàn thành, để bà Chung không còn phải lo lắng trước những mùa mưa bão.
Dù gần năm năm đã trôi qua, nhưng trong tình cảm người dân nơi chân sóng, vẫn không quên thời khắc dưới sự chỉ huy của đồn trưởng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây đã cứu sống ngư dân Phan Văn Cường, khi thuyền của ông bị sóng lớn đánh chìm trên cửa sông Bù Lu, lúc đang đánh bắt mưu sinh.
Tặng quà cho các hộ còn khó khăn |
Cũng như không quên hình ảnh đích thân người đồn trưởng ấy đặt chiếc thùng quyên góp, đến từng hộ kinh doanh trên bãi biển, gom góp yêu thương, giúp người thân của thanh niên không may tử vong do đuối nước (gia đình này ở tỉnh khác, hoàn cảnh rất khó khăn), có điều kiện đưa nạn nhân về nhà. Thượng tá Lê Văn Tiến và cán bộ, chiến sĩ đơn vị là những người đầu tiên chia sẻ yêu thương. Hôm đó, có những giọt nước mắt đã rơi vì cảm kích tấm lòng và hành động nhân văn.
“Từ việc nhỏ đến việc lớn, trên cương vị chỉ huy, anh Tiến đều đã làm cho người dân nơi này bằng tất cả yêu thương, tâm huyết, trách nhiệm. Nhiều trường học, nhiều ngôi nhà được cán bộ, chiến sĩ đơn vị kịp thời sửa chữa sau thiên tai, để người dân sớm ổn định cuộc sống, trẻ em sớm trở lại trường... Anh Tiến rời địa phương, đến nhận nhiệm vụ nơi khác, nhưng chúng tôi sẽ không quên người lính biên phòng ấy” - ông Trần Văn Hải và nhiều người dân xã Lộc Vĩnh bộc bạch.
“Dấu ấn” bên chân sóng
Những năm tháng gánh vác trách nhiệm người đứng đầu Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, bên cạnh xây dựng niềm tin yêu trong lòng Nhân dân địa phương, Thượng tá Lê Văn Tiến đã cùng ban chỉ huy và tập thể đơn vị, tạo những chuyển biến, “dấu ấn” về cải cách hành chính trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, góp sức cùng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường hiệu quả trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu ở cửa khẩu cảng biển, đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Thượng tá Lê Hồng Tuyên, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh nói rằng: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đánh giá cao về việc Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây tập trung sử dụng hiệu quả các trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa, tự động hóa trong công tác kiểm soát xuất, nhập khẩu một cách vô cùng hiệu quả. Trước đây, thời gian làm thủ tục cho một tàu khách du lịch phải mất từ 2 - 4 giờ, nay rút ngắn còn 10 phút. Thời gian làm thủ tục cho một hành khách trước đây khoảng 5 - 7 phút, nay giảm xuống còn 1 - 2 phút. Tình trạng hành khách bị dồn tắc tại cửa khẩu cảng Chân Mây không còn xảy ra.
Từ năm 2019 – 2023, với sự chỉ đạo trực tiếp của “thủ lĩnh” Lê Văn Tiến về công tác kiểm soát xuất cảnh, xuất, nhập khẩu ở cửa khẩu cảng biển, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây đã phối hợp làm thủ tục cho 222 chuyến tàu biển chở khách du lịch nhập cảnh, xuất cảnh và chuyển cảng đến, chuyển cảng đi với gần hai trăm nghìn thuyền viên và gần năm trăm nghìn lượt khách du lịch bằng tàu biển; đặc biệt đã hỗ trợ cho hơn 200 hành khách đi tour về trễ tàu, được thuận lợi, nhanh chóng đến cảng kế tiếp, nhập tàu về nước theo lịch trình.
“Nụ cười hài lòng của du khách khi đến với Huế, và bởi hài lòng mà trở lại Huế, cũng là hạnh phúc lớn lao của chúng tôi - những người lính biên phòng đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó” - Thượng tá Lê Văn Tiến chia sẻ.
Vững bước
Còn nhớ, thời gian đầu Thượng tá Lê Văn Tiến từ biển lên rừng, nhận nhiệm vụ Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (đóng quân trên địa bàn huyện A Lưới), chuyến công tác nào tôi đến đơn vị, cũng không thể gặp mặt trực tiếp. Khi thì anh Tiến đang bận về với thôn, bản, với các già làng, người có uy tín, lúc lại đến với những hộ già cả, bệnh tật, neo đơn. Có hôm đội nắng “xuyên trưa” đi khảo sát địa điểm, đưa ra phương án thuận lợi nhất để Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức một “Trung thu đêm hội trăng rằm” cho trẻ em xã Đông Sơn còn rất nhiều khó khăn, thật trọn vẹn.
Ngắm hàng trăm ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của các em nhỏ Đông Sơn khi được vui hết mình cùng những trò chơi dân gian, được ôm vào lòng những món quà là những con thú nhồi bông xinh xắn, chiếc đèn ông sao nhỏ và những chiếc bánh ngọt ngào trong đêm hội ấy, mới hiểu tâm huyết của những người lính biên phòng. Và “đằng sau” niềm hạnh phúc trọn vẹn của tuổi thơ nơi biên cương, có yêu thương và trách nhiệm của người chỉ huy đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn.
Tâm niệm của Thượng tá Lê Văn Tiến: Người chỉ huy đơn vị phải là tấm gương của tinh thần “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, thấu hiểu hoàn cảnh, mong muốn của dân. Vậy nên, những hoạt động trong mô hình “ngày về thôn bản” được đẩy mạnh, vô cùng thiết thực. Trên những ruộng lúa chín vàng xã Lâm Đớt, áo quân phục biên phòng ướt đẫm mồ hôi, giúp những hộ già cả, neo đơn, bệnh tật thu hoạch lúa chạy mưa, bão, là hình ảnh đẹp, gây xúc động lòng người. Cô giáo Trần Thị Soan, giáo viên Trường THCS&THPT Trường Sơn (A Lưới) đã ghi lại bằng tất cả tình cảm trân trọng, để bức ảnh về tình quân dân ngời sáng, đoạt giải Nhì trong cuộc thi ảnh tìm hiểu về biên giới vừa qua.
Trong chuyến đến mốc quốc giới 666, trước hình ảnh đích thân Thượng tá Lê Văn Tiến cùng người dân địa phương chỉnh trang, lau chùi cột mốc, càng “thấm” tình đoàn kết quân dân đã được dựng xây bền chặt. Đó chính là “nền móng” vững chắc để phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia phát triển sâu rộng; để bước chân của lực lượng BĐBP vững vàng trên mọi nẻo đường biên cương.