Hoạt động M&A đang được thúc đẩy bởi "dòng chảy" mạnh mẽ của nguồn vốn tư nhân | |
“Tham vọng” chiếm lĩnh thị trường quốc tế thông qua M&A | |
Thị trường M&A bất động sản đang được hâm nóng bởi hàng trăm triệu USD |
Khối lượng và giao dịch M&A tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ 2018-2022. Biểu đồ: PwC |
Trong khi năm 2021 ghi nhận số giao dịch ở mức cao kỷ lục (65.000 giao dịch) nhưng sang năm 2022, thị trường M&A toàn cầu đối mặt nhiều thách thức với khối lượng giao dịch giảm 17% và giá trị thương vụ giảm 37%, tuy nhiên vẫn duy trì cao hơn năm 2020 và mức trước đại dịch. Trong nửa cuối năm 2022, giao dịch tiếp tục suy yếu hơn so với năm 2021 - giảm 25% khối lượng và 51% giá trị.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, khối lượng và giá trị giao dịch giảm lần lượt 23% và 33% trong giai đoạn 2021-2022. Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất, với khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt giảm 46% và 35% – do bị ảnh hưởng của Covid-19 và nhu cầu xuất khẩu suy giảm. Do đó, các công ty muốn tiếp cận thị trường châu Á đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ngoài Trung Quốc, như Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Ong Tiong Hooi, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam nhận định, nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang phải đối mặt với nhiều áp lực như lạm phát và suy thoái kinh tế, trong đó thị trường M&A Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Báo cáo của PwC cho biết, hoạt động M&A toàn cầu có khả năng tăng trưởng vào nửa sau năm 2023, khi các nhà đầu tư và giám đốc điều hành tìm cách cân bằng rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn.
Theo khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 26 của PwC, mặc dù các giao dịch toàn cầu đang phải chịu tác động từ kinh tế vĩ mô, như lo ngại suy thoái kinh tế, lãi suất tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, căng thẳng địa chính trị - chiến tranh ở Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng, 60% CEO toàn cầu cho biết, họ không có ý định trì hoãn các giao dịch vào năm 2023.
Theo đó, một số ngành được PwC dự đoán sẽ tạo cơ hội cho hoạt động M&A vào năm 2023 gồm: Công nghệ - viễn thông, sản xuất công nghiệp và ô tô, dịch vụ tài chính, năng lượng, tiêu dùng, y tế.
Ngoài ra, những biến động trong năm 2023 cũng có thể tạo ra lợi thế và thách thức cho các bên khác nhau. Chẳng hạn, với doanh nghiệp, trong bối cảnh thắt chặt tài chính, PwC cho rằng, doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh sẽ có nhiều cơ hội hơn. Với các quỹ tín dụng và thị trường tư nhân, ciệc các quỹ này cho vay sẽ giành được thị phần M&A từ các ngân hàng và trở thành chìa khóa để cung cấp thanh khoản cần thiết, đặc biệt là trong các giao dịch thương vụ cỡ trung. Tuy nhiên, nhà đầu tư mạo hiểm có thể rút lui khỏi một số khoản đầu tư rủi ro.
Ông Ong Tiong Hooi kỳ vọng năm 2023 sẽ là một năm hứa hẹn với thị trường M&A khi các CEO tập trung tạo ra giá trị thông qua việc đổi mới doanh nghiệp và các hoạt động giao dịch. Tại Việt Nam, vị chuyên gia này nhận định, các nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng.