Các doanh nghiệp cần hỗ trợ thông tin thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu Tiềm năng xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc) và Việt Nam Hòa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy thương mại số |
15 hiệp hội, 180 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tham dự hội nghị với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP |
Đẩy mạnh thương mại, thúc đẩy xuất khẩu
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam vào ngày 16/10/2023, các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp FDI đều nhận định, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã tạo điều kiện về pháp lý, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư; cùng với đó là sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2022, cả nước có 28.963 doanh nghiệp FDI, chiếm 3,27% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận được 92% doanh nghiệp có báo cáo tài chính. Trong đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là hơn 9,4 triệu tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2021; lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021; nộp ngân sách đạt gần 237,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng số nộp của các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung. 9 tháng năm 2023 tình hình khó khăn hơn, chỉ có 23,78% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khai phát sinh về thuế GTGT. Nguyên nhân bởi nhiều doanh nghiệp FDI có thuế xuất khẩu áp dụng 0%, cùng với đó là nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư thì đầu vào vẫn âm nên không khai thuế GTGT. |
Vì thế, đại diện các doanh nghiệp FDI bày tỏ cam kết cùng Việt Nam thúc đẩy đầu tư kinh doanh theo các ưu tiên của Việt Nam như phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam phải có nhiều cải thiện và đổi mới để “giữ chân” và tiếp tục thu hút FDI.
Nói về vấn đề phát triển logistics tại Việt Nam, ông Ng Boon Teck, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam bày tỏ, các doanh nghiệp Singapore mong muốn kết hợp để phát triển cơ sở hạ tầng logistics.
“Chúng tôi muốn mang tới công nghệ mới, thông minh và chia sẻ cách tối ưu hoá những công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh hơn ngành logistics tại Việt Nam”, ông Ng Boon Teck nói.
Vị này cho rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn dòng chảy thương mại, hợp tác, hỗ trợ với các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, phải khẳng định vai trò trung tâm, trung chuyển, đẩy mạnh giao thông giữa các tỉnh biên giới và giữa Trung Quốc - ASEAN. Đặc biệt là cải thiện quy trình thực hiện cơ chế một cửa để quá trình thông quan trở nên đơn giản hơn.
Về phát triển thương mại, bà Tô Thị Hương Giang, Giám đốc Đối ngoại khu vực Việt Nam, Thái Lan, Campuchia của Tập đoàn Nike bày tỏ sự vui mừng và lạc quan khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bởi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nhưng vị này cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.
Cùng với vấn đề trên, ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) cho rằng, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và cấp giấy phép lao động cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh. Vị này cho rằng, cải thiện những vấn đề này sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn và chip.
Đồng quan điểm, theo ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể, trong đó cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính.
Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI đầu tư và phát triển
Tại hội nghị lần này, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp FDI quan tâm là thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đại diện Intel Việt Nam, đây không phải vấn đề riêng của doanh nghiệp hay Bộ Tài chính mà còn cần sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành khác, nên cần những hành động cụ thể để làm động lực cho các doanh nghiệp đưa ra những quyết định quan trọng.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Thủ tướng đã rất quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Chính phủ đã phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Bộ Tài chính cũng tham gia vào việc trình báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong kỳ họp sắp tới về thuế tối thiểu toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, đại diện các bộ đã trả lời về các ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp FDI. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, về vấn đề nguồn nhân lực, Chính phủ đã tập trung xây dựng thị trường lao động bền vững, hội nhập, đa dạng. Hơn nữa, Chính phủ đã dành thời gian và quyết tâm sửa Nghị định 152/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và phát huy nhân lực nước ngoài tại Việt Nam với nhiều nội dung mới như giảm điều kiện, tiêu chí, giảm thời gian nộp quy trình, thực hiện thủ tục trực tuyến…
Về hoàn thiện các thể chế pháp luật trong vấn đề tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho hay, Bộ đang được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai và Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi liên quan đến tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp cận điều tra, khảo sát năng lượng gió ngoài khơi để có được số liệu làm cơ sở cho doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam.