Thời gian qua,ảngbnngsảlịch đá của arsenal Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang (Trung tâm) đã có nhiều nỗ lực nhằm đa dạng các hình thức quảng bá, giới thiệu nông sản an toàn đến người dân trong và ngoài tỉnh.
Quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm khuyến nông, nông sản an toàn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện.
Đi vào hoạt động hơn 2 tháng qua, quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm khuyến nông và nông sản an toàn là địa chỉ mới của những người muốn tìm mua các loại rau củ, trái cây và nhiều mặt hàng nông sản khác do chính nông dân Hậu Giang làm ra. Quầy trưng bày có kệ chia tầng, rổ đựng sắp xếp ngăn nắp, có bảng thông tin rõ ràng và nổi bật, có thể nhìn thấy ngay khi bước vào căn tin Sở NN&PTNT. Các loại rau màu như cải, bồ ngót, đậu bắp, bầu, bí… được xếp theo từng bó hoặc trong từng rổ riêng. Bày bán trên kệ còn có khóm Cầu Đúc, bưởi da xanh, quýt đường Long Trị… Bên cạnh đó, không thể thiếu các sản phẩm chế biến từ nông sản của tỉnh như trà mãng cầu, cá thát lát… Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thông tin: Quầy trưng bày là mô hình thí điểm khép kín từ sản xuất đến sơ chế, kinh doanh sản phẩm khuyến nông và nông sản an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm do Trung tâm thực hiện, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn đến người dân và giúp nhà sản xuất có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm.
Các sản phẩm cung cấp cho quầy trưng bày chủ yếu từ những mô hình khuyến nông mà Trung tâm phối hợp, hướng dẫn thực hiện, áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn. Ông Dương Văn Mách, ở khu vực 5, phường V, thành phố Vị Thanh, là một trong những nông dân liên kết sản xuất và cung cấp nông sản an toàn cho quầy trưng bày. Ông Mách trồng rau ăn lá trên diện tích 1.000m2, chủ yếu là các loại cải xà lách, cải bẹ dúng. Tùy theo yêu cầu đơn hàng mà ông giao mỗi ngày hoặc cách ngày, mỗi lần khoảng 5kg cho từng loại. Để đạt tiêu chuẩn an toàn, ông Mách đã chuyển sang sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ cho vườn rau và thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật. Không chỉ vậy, sau khi thu hoạch, ông còn sơ chế và bảo quản thoáng mát, tránh dập nát để rau tươi lâu, hình thức đẹp nhằm thu hút người mua. Ông Mách chia sẻ: “Tôi mong nhiều người có ý thức tìm mua sản phẩm rau an toàn để tôi có thể mở rộng sản xuất và trồng thêm nhiều loại rau, không chỉ cung cấp cho quầy này mà còn nhiều điểm khác nữa”.
Để đảm bảo chất lượng cho từng loại nông sản, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên kiểm tra từ người cung cấp để họ duy trì thói quen ghi chép thông tin về quy trình sản xuất theo mẫu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép và lưu ý thời gian cách ly theo khuyến cáo in trên bao bì để an toàn cho người sử dụng.
Bên cạnh các sản phẩm an toàn từ mô hình nông nghiệp hiệu quả, quầy trưng bày còn có những sản phẩm chủ lực từ các HTX trong tỉnh đã được chứng nhận, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Điểm chung của tất cả sản phẩm là đều có nhãn mác, tem rõ ràng, dễ truy xuất nhằm tạo niềm tin khi đến tay người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc dưới dạng mã QR để người dùng tiện đọc đầy đủ thông tin bằng cách sử dụng điện thoại thông minh có cài các ứng dụng mạng xã hội.
Song song với quầy trưng bày, một gian hàng trực tuyến giới thiệu 19 sản phẩm nông sản của tỉnh trên chợ nông sản trực tuyến Farm360 cũng đi vào hoạt động. Bước đầu đã thu hút gần 3.000 lượt truy cập và có một số đối tác ngoài tỉnh đã liên hệ, bày tỏ quan tâm đến sản phẩm gạo, chanh không hạt của Hậu Giang. Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, nhận định: Hiện nay, các kênh truyền thông đa dạng, dễ tiếp cận và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử là một thuận lợi không nhỏ để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh đến thị trường rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiểu biết và có nhu cầu cao đối với các sản phẩm an toàn nên các hoạt động quảng bá, giới thiệu bước đầu cũng có sự ủng hộ nhất định. Trong thời gian tới, Trung tâm có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu và tăng cường quảng bá trên đa phương tiện truyền thông để tạo hiệu ứng tích cực hơn nữa, quan trọng nhất là gắn kết được nhiều doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong tỉnh.
Bài, ảnh: THIÊN TRANG