Trước đó, ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam.
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và đồng chí Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (ngoài cùng bên phải) trao giấy chứng nhận cho các tập thể, cá nhân đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tang. |
Nhân sự kiện thành lập bảo tàng, đã có nhiều cá nhân và tập thể hiến tặng hiện vật, tài liệu cho bảo tàng. Đáng chú ý, ngoài các hiện vật giấy và chữ viết, các số báo và tập lưu báo gốc quý xuất bản từ 1945 đến trước 1975 như hàng chục tờ báo Trường Sơn của cố nhà báo, Tổng Biên tập Lục Văn Thao để lại; các tập báo lưu xuất bản trước và trong thời kỳ đổi mới; một số hiện vật thể khối có giá trị lịch sử như chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty in Việt Lập từ Cao Bằng mang xuống tặng.
Đặc biệt, Ban tổ chức cũng nhận được 4 pho tượng nhà báo liệt sĩ đúc đồng có giá trị do nhà điêu khắc Trần Thanh Phong thực hiện.
Trong khuôn khổ lễ công bố, ban tổ chức đã trưng bày và giới thiệu 152 tập lưu báo và tạp chí bản gốc, 2 tập lưu báo cắt dán là Gia định báo (gồm 4 quyển) và Hoàng Sa – Trường Sa (gồm 1.200 bài báo cắt dán) do nhà báo, nhà sưu tầm Trần Thanh Phương hiến tặng…
Nhiều tập lưu báo và tạp chí gốc được trưng bày tại Bảo tàng |
Chương trình trưng bày nhằm góp phần tôn vinh các thế hệ làm báo, khẳng định vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 152 năm ngày ra đời và phát triển báo chí quốc ngữ (1865 - 2017).
Mai Đan - Tú Minh