Hải quan Quảng Ninh góp phần phát triển vùng Đông Bắc Tổ quốc | |
Hải quan Quảng Ninh ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về pháo dịp Tết | |
Hải quan Quảng Ninh trở lại vị trí quán quân chỉ số năng lực cạnh tranh | |
Hải quan Quảng Ninh tích cực hỗ trợ giải phóng hàng chờ xuất khẩu |
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô (Cục Hải quan Quảng Ninh) kiểm tra thực tế hàng hóa tháng 11/2021. Ảnh: Thái Bình |
Triển khai 44 giải pháp, 91 hoạt động cải cách
Cục Hải quan Quảng Ninh chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp XNK qua địa bàn, thu hút doanh nghiệp, chủ đầu tư góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. |
Ngay trong tháng đầu năm 2022, Cục Hải quan Quảng Ninh đã xây dựng và có Quyết định số 42/QĐ-HQQN về việc ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động cải cách, hiện đại hóa trọng tâm năm 2022, gồm 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với 44 giải pháp và 91 hoạt động triển khai.
Đối với nhóm nhiệm vụ về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, phát triển quan hệ đối tác, Hải quan Quảng Ninh đưa ra các giải pháp cụ thể cho thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan. Đó là, các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác giám sát quản lý về hải quan, tập trung vào việc tổ chức rà soát các quy định trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, qua đó đề nghị cắt giảm nhóm mặt hàng phải kiểm tra, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai Đề án trực ban Giám sát trực tuyến; Đề án quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) tại tất cả kho, bãi, cảng để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp; duy trì các hội nghị đối thoại doanh nghiệp, diễn đàn hải quan-doanh nghiệp… để lắng nghe, kết nối, tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp; hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả.
Đối với hoạt động nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách, Cục cũng đưa ra các giải pháp bám sát vào kế hoạch XNK của những doanh nghiệp có số thu lớn, phân tích, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK, ổn định nguồn thu…
Ở nhóm nhiệm vụ quản lý rủi ro, Hải quan Quảng Ninh sẽ tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng thu thập thông tin, xác định đối tượng trọng điểm; tăng tỷ lệ phát hiện vi phạm tại khâu trước và trong thông quan. Song song đó, theo dõi, phân tích, tổng hợp thông tin, dữ liệu về tình hình, kết quả thực hiện quản lý rủi ro trên các hệ thống để phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan… đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan.
Trong hoạt động nâng cao hiệu quả của nhóm nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan, Hải quan Quảng Ninh hướng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục hải quan, các quy định liên quan đến hoạt động XNK nhằm nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đó là, ghi nhận những vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp để đề xuất hướng dẫn, giải quyết kịp thời; hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, hoạt động tích cực để đủ điều kiện tham gia chương trình doanh nghiệp ưu tiên…
Đáp ứng mục tiêu “4 giảm, 4 tăng”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Trịnh Văn Nhuận cho biết, Kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động cải cách, hiện đại hóa trọng tâm năm 2022 với kỳ vọng doanh nghiệp là bạn đồng hành. Chính vì vậy, kế hoạch sẽ cụ thể hóa và tổ chức triển khai hiệu quả những chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, tỉnh và ngành Hải quan trong công tác cải cách, phát triển hiện đại hóa hải quan năm 2022, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 và Nghị quyết sổ 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm chi phí, giảm thời gian thông quan giải phóng hàng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng mục tiêu “4 giảm, 4 tăng”, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật về hải quan và hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển... Bên cạnh đó, tham gia triển khai hiệu quả có đột phá chương trình, kế hoạch trong công tác cải cách, phát triển và hiện đại hóa giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021- 2030.
“So với năm 2021, trong năm 2022, số lượng hoạt động triển khai chi tiết tăng 80%, với 91 hoạt động (năm 2021 có 51 hoạt động)”, ông Trịnh Văn Nhuận cho biết thêm.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch trên, theo ông Trịnh Văn Nhuận, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo tập trung thực hiện có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tại các đơn vị, nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức theo hướng chuyên trách, chuyên sâu. Mặt khác, chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách, hiện đại hóa; nghiêm túc triển khai thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung của Kế hoạch; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cải cách, hiện đại hóa năm 2022, đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai các nội dung cải cách, hiện đại hóa đạt hiệu quả cao nhất.