Theo đó, thời gian khai quật từ 15/5/2024 đến 15/7/2024, trên diện tích 60m2, gồm: 3 hố x 20m2/1 hố. Chủ trì khai quật là bà Nguyễn Thị Thao Giang, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trong thời gian khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng BộVăn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Trung tâm BTDTCĐ Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo Trung tâm BTDTCĐ Huế, hiện đơn vị đang triển khai các thủ tục liên quan, dự kiến khoảng tháng 6 này Trung tâm cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn và thời gian khai quật khảo cổ sẽ thực hiện trong 1 tháng. Đại Cung Môn là cửa chính vào Tử Cấm thành, gồm 3 cửa và 5 gian được xây dựng năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng. Đại Cung Môn được làm hoàn toàn bằng gỗ cực kỳ tinh xảo, với phần ngói hoàng lưu ly lợp ở phía trên. Tuy nhiên, công trình này cùng với điện Cần Chánh (và một loạt cung điện khác) trong Tử Cấm Thành đã bị phá hủy trong chiến tranh, chỉ còn lại phần nền móng. Hiện Đại Cung Môn đang được Trung tâm BTDTCĐ Huế nghiên cứu chuẩn bị cho phục dựng. |