Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành CNHT thời gian qua?ảihìnhthànhnhữngtrungtâmnghiêncứupháttriểnchocôngnghiệphỗtrợbxh vdqg iran
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
- Thực tiễn tổng kết cho thấy, sự phát triển của ngành CNHT đã có những nền tảng ban đầu, tạo lập ra cơ sở để cho các ngành công nghiệp phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của việt Nam cũng như quá trình hội nhập. Trong các giai đoạn, Việt Nam đã có những chính sách tương đối cụ thể để phát triển CNHT. Tuy nhiên, sự phát triển ngành CNHT còn một khoảng cách rất xa, rất lớn so với yêu cầu cũng như những cơ hội, thách thức đặt ra hiện nay.
Sự hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế toàn cầu, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới đây đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết như thế nào cho sự phát triển của ngành CNHT, thưa ông?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
- Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Điều đó có nghĩa rằng, những sản phẩm của Việt Nam tham gia vào trong chuỗi giá trị sẽ phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh của các quốc gia, các nền kinh tế khác. Đặc biệt, bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không cho phép Việt Nam tiếp tục có những độ trễ lâu hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. CNHT được xác định sẽ đóng vai trò là nền tảng thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Hiện nay, không chỉ với CPTPP mà với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết đang đặt ra những yêu cầu rất bức thiết, phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cũng như chất lượng phát triển CNHT.
Điểm dễ thấy là nếu tập trung phát triển trên diện rộng thì sẽ khó sâu. Xin ông cho biết, thời gian tới, trong phát triển CNHT, Bộ Công Thương định hướng sẽ tập trung trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
- Bộ Công Thương đã có những nhiệm vụ rất cụ thể, xác định một số ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên cần tăng cường phát triển và phải phát triển đột phá ở lĩnh vực CNHT để mang lai những động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp.
Một số ngành Bộ Công Thương xác định rất rõ, được sự đồng ý của Chính phủ như ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giày, ngành năng lượng... Đây đều là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có những dung lượng thị trường. Tất nhiên, sẽ có những thách thức từ quá trình hội nhập nhưng quan trọng là phải biến những thách thức này ngược lại trở thành những cơ hội. Cụ thể, thách thức rõ ràng khi phải mở cửa là đối mặt với cạnh tranh nhưng nếu cho rằng đây chính là cơ hội, tiến hành tái cơ cấu lại các ngành công nghiệp, trong đó có CNHT thì quá trình tái cơ cấu đó sẽ cho phép các DN có cơ hội tiếp cận với công nghệ, đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng, hy vọng sắp tới có điều kiện tiếp cận, phải hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cho CNHT, trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam. Những trung tâm này không chỉ tập trung vào giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho DN thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ nói chung mà còn hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển R&D (nghiên cứu và phát triển), từ đó những trung tâm này sẽ đóng góp cả vào sự phát triển về giá trị gia tăng.
Thưa ông, với những DN "đầu tàu" tham gia vào phát triển ngành CNHT, thời gian tới, Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì đặc biệt không?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
- Đối với các DN "đầu tàu", Nhà nước hỗ trợ rất lớn. Bản thân các DN cũng ý thức được trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với quốc gia và với nền kinh tế. Ví dụ, trong ngành công nghiệp cơ khí ô tô, Công ty Trường Hải, Công ty Vinfast hay một số DN khác, ý thức, sự chuyển động mạnh mẽ của DN nhìn thấy rất rõ. Chính phủ cũng đã có những cơ chế chính sách rất để ưu đãi và hỗ trợ DN thông qua các quy mô của dự án có tính lan tỏa đối với các ngành kinh tế, các ngành công nghiệp, trong đó có CNHT. Tuy nhiên, sắp tới đây phải đi vào sâu hơn nữa trong các hỗ trợ cụ thể cho các DN này. Hỗ trợ không phải bằng nguồn lực mà thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định luật pháp và các cam kết hội nhập của Việt Nam. Quan trọng là phải định hướng làm sao để các DN tạo ra được sự lan tỏa, chia sẻ. Đặc biệt, có nhiều vấn đề cần làm được như: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; điều chỉnh tiếp một số khung khổ luật pháp như Luật thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt để thúc đẩy các giá trị giá tăng cho sản xuất CNHT; tiếp tục hỗ trợ cho DN tiếp cận thị trường quốc tế...
Bên cạnh việc dựng xây các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, ông đánh giá như thế nào về vai trò của tính đồng bộ, phối hợp ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương trong thực thi các cơ chế, chính sách này nhằm phát triển ngành CNHT?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
- Quan điểm Chính phủ đã khẳng định, Việt Nam hội nhập kinh tế rất sâu rộng, có rất nhiều cơ hội của các FTA cho các sản phẩm của Việt Nam trong thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu không làm tốt CNHT thì các giá trị gia tăng và việc khai thác những cơ hội, ưu đãi trong các FTA này sẽ bị hạn chế. Như vậy, Việt Nam không khác gì nhường trận địa, nhường lại những lợi ích đó cho các DN và sản phẩm nước ngoài.
Tôi cho rằng, sự phối hợp tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật là điều kiện vô cùng quan trọng. Việt Nam có rất nhiều khung khổ chính sách. Ví dụ như Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT hay Luật DN vừa và nhỏ nhưng khi tổ chức thực hiện lại vướng mắc rất nhiều. Bên cạnh đó, rất cần sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quá trình phát triển, đảm bảo cho CNHT phát triển bền vững trên cơ sở chấp hành đúng pháp luật, kể cả về vấn đề bảo vệ môi trường; chính quyền địa phương phải tạo ra được những bước đột biến trong thu hút, tạo điều kiện cho các DN CNHT phát triển....
Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam: Cần xóa bỏ yếu kém trong khâu sản xuất vải nói chung và nhuộm nói riêng Chiến lược phát triển CNHT hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của ngành dệt may Việt Nam cần lấy việc xóa bỏ yếu kém trong khâu sản xuất vải nói chung và trong phân khúc nhuộm nói riêng làm cốt lõi. Nhiệm vụ này cũng đã được đặt ra rất kịp thời, đúng đắn trong Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/01/2017 về phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Cụ thể là phải đáp ứng được 45% vào năm 2020 (nghĩa là phải sản xuất thêm 1,7 tỷ mét) và đáp ứng 65% vào năm 2025 (nghĩa là sản xuất thêm 10 tỷ mét). Đối với chiến lược phát triển CNHT hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của ngành dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam kiến nghị: Bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp chuyên ngành, đặc thù cho lĩnh vực CNHT trong ngành dệt may; bổ sung chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng nhà máy nhuộm hoặc tổ hợp dệt – nhuộm – hoàn tất vải; rà soát hành lang pháp lý, loại bỏ các giấy phép con, cho phép nhuộm gia công (trong điều kiện tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường). Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội chuyên ngành trong việc góp ý chính sách, thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp chuyên ngành và thúc đẩy hợp tác, liên doanh, liên kết giữa DN trong và ngoài nước. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô Tô Trường Hải (THACO): Phát triển CNHT là vấn đề thị trường và DN dẫn dắt Tại sao CNHT của Việt Nam lại không phát triển được? Thực chất đó chỉ là vấn đề về thị trường và DN dẫn dắt. Tôi thấy rằng Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên phát triển kinh tế theo hướng ổn định và bền vững, dĩ nhiên không dễ dàng. Khi phát triển như vậy, thị trường sẽ phát triển lên, khi có thị trường thì phải có chế tài, đồng thời phải khuyến khích. Nếu "xây nhà" mà nhập hết các nguyên liệu, chỉ có đất, đá, xi măng thì không được. Trong các lĩnh vực, ví dụ như các dây chuyền công nghệ sản xuất trái cây, nghiên cứu cho thấy, hàm lượng làm được tại Việt Nam là trên 60%, thậm chí các bulong, thanh chuyền dễ làm nhưng lại nhập hết. Đối với ô tô, tôi thấy các chính sách hỗ trợ, vừa rồi Bộ Công thương có đề xuất là làm sao không tính thuế Tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm sản xuất trong nước. Chính sách này rất tốt, phải làm ngay. Nếu triển khai điều này, ngay cả các DN chuyển từ lắp ráp sang nhập nguyên chiếc cũng sẽ quay trở lại lắp ráp. Và khi DN lắp ráp, CNHT mới có thể phát triển. THACO xin cam kết sẽ phát triển, phát triển thiết thực nhất đó là phát triển CNHT cho Việt Nam, cùng với cộng đồng DN Việt Nam cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập. Uyển Như (ghi) |