游客发表
Tuổi thơ của ông ngày đêm nghe tiếng gầm gào của bom đạn thay cho tiếng trống trường giục giã học trò tới lớp nên thất học là đương nhiên. Ngày quê hương hòa bình,Ôngcháuvớigàvịnhận định bongdanet ông đã vào tuổi “bẻ gãy sừng trâu”; cha mẹ ép quá nên cũng cố đến lớp ngồi cùng bọn trẻ lớp hai, thấp hơn cả cái đầu. Tính kiên trì trong việc học mỏng như lá lúa, ông thích ra đồng hơn tới trường nên nghỉ ngang, thành ra vốn chữ nghĩa chắc không hơn người mù chữ là mấy.
Biết không thể theo nghiệp bỉnh bút, công chức lại càng không nên ông chỉ còn trông vào đôi tay, sức trẻ. Là công nhân cầu đường, ông thường xê dịch trên những con đường nham nhở, với khói bụi lẫn trong cái nóng hầm hập của nhựa đường và nắng cháy; với dằng dặc những ngày xa vợ con; quen với áo quần nhem nhuốc cùng lán trại dựng tạm bên đường.
Khi tuổi đã qua bên kia sườn dốc, sếp cho ông thôi quăng quật với cuốc xẻng và san đầm để làm “ngọn đèn đứng gác”. Lúc này, tay cầm cờ hiệu, tay cầm bộ đàm, ông thường đứng sau tấm bảng cảnh báo “Công trường-5km/h” để điều tiết giao thông trên những đoạn đường đang thi công. Tưởng khỏe hơn nhưng hóa ra không, khói bụi cứ táp vào mặt; lại phải nghe lời bất nhã của những tài-xế thiếu kiên nhẫn chờ lâu. Chưa hết, một kẻ phóng nhanh vượt ẩu đâm thẳng mặt khiến ông suýt phải lên nóc tủ “ngắm gà khỏa thân”. Với di chứng là cái chân cà nhắc, đến mỗi bước đi cũng cần nghị lực khiến ông buồn tan nát; nỗi đau nhân lên khi ông phải nghỉ việc.
Dâu con trên phố muốn đưa cha lên phụng dưỡng nhưng ông lắc đầu. Vợ con còn đồng thanh khuyên ông nên nghỉ “toàn tập” nhưng chẳng được. Cái tay hay làm cứ thích sờ vào việc, quen rồi. Vả lại, ở cái độ tuổi trẻ đã qua nhưng tuổi già chưa tới, cứ ăn chơi chờ chết đến bao giờ? Nhưng làm gì, với thân hình dặt dẹo, cả ngày chẳng bước ra khỏi ngõ? Đã bao lần ông tự vấn, tái tê.
Ông bắt đầu làm thêm với việc hóa kiếp mấy con gà, con vịt giúp các bà bán thịt ở cái chợ gần nhà. Lúc đầu ông chỉ cầm dao làm mỗi cái việc rất nhiều người né tránh ấy, còn vặt lông, làm lòng, ra thịt là phần của các bà. Ông giúp đơn thuần, chẳng đòi hỏi gì; các bà thương tưởng thì biếu bộ lòng mề, thế thôi. Sau thì các bà động viên ông, ở không làm gì cho nhão người ra, cứ nhận làm thịt vài con gà con vịt để kiếm thêm chút ít. Việc này càng tiện khi mương nước thủy lợi chảy ngay trong vườn, lại chẳng phải đi đâu.
Thế là sáng sớm, các bà đưa gà vịt tới để rồi sau đó nhận lại thịt từ tay ông. Mỗi ngày ông mổ khoảng năm, bảy con; tiền công được năm, bảy chục ngàn. Với ông, ấy là khoản đáng kể. Việc sát sanh khiến ông cũng chờn chợn nhưng sau cái tặc lưỡi là sự bất chấp lấn tới. Ông còn tự xoa dịu khi sánh việc mình làm với ngư dân đánh cá hay nông dân diệt sâu bọ để đỡ day dứt, run tay mỗi khi cầm dao. Cái chính là với một người tàn tật như ông, thật khó tìm được việc phù hợp để tự nuôi mình.
Khi thằng cháu nội bốn tuổi lờ mờ biết việc ông làm đã khiến ông bối rối. Nó ở trên phố cùng bố mẹ, thỉnh thoảng về quê thăm ông bà vào ngày nghỉ. Một lần, thằng bé đứng lặng, căng mắt săm soi mớ lông vịt được ông gom lại chờ bà mua ve chai. Lâu sau, nó ngước nhìn ông: “Ông ơi, sao có nhiều lông vịt thế?”. Ông ngớ người, ừ à, cố lảng tránh câu hỏi chẳng dễ trả lời cho một đứa trẻ. Nghe thằng bé lặp lại điều muốn biết, ông giả cười, ngượng ngùng: “Do vịt… thay lông đấy”. Cháu ngó quanh, ngơ ngác: “Chúng thay lông rồi ở đâu, sao cháu không thấy?”. Ông cười như mếu, giọng gấp gáp như chạy trốn: “Chúng… đi chơi rồi”. Nói rồi, ông cầm tay cháu dắt vô nhà để nó khỏi nhìn mớ lông gắn liền với sự chết chóc kia.
Thằng bé yêu vật nuôi lắm. Mỗi lần về quê, dù nắng hay mưa, nó cũng đòi bố đưa ra đồng cưỡi trâu. Thấy con trâu khịt khịt rồi lắc sừng giương oai trước người lạ, nó xanh mặt, bu chặt lấy bố nhưng sau đó vẫn rụt rè lại gần, cầu thân. Về nhà nội, có khi chưa kịp chào ông bà, nó đã hỏi chó mèo; cả lúc ăn ngủ cũng không rời mấy thú cưng trong nhà. Thường thì người ăn xong rồi mới cho vật nhưng nó thì ngược lại; lấy phần cho chó mèo trước rồi ngồi nhìn chúng ăn, còn đưa tay vuốt đầu, xoa lưng, cứ như động viên; có khi nó mải chăm cho chúng đến quên ăn.
Một lần thằng bé về, vừa leo xuống xe đã lên tiếng: “Ông ơi, con Ki đâu mà không ra chào cháu?”. Nghe ông bảo, chó mất rồi, nó đứng lặng, mím môi, mắt ngấn nước. Liền đó là những câu hỏi dồn, mất khi nào, sao lại mất, liệu nó có nhớ nhà để về không… Ông trả lời qua loa; không thể nói cho cháu biết rằng, kẻ cắp đánh bả khiến chó chết và cướp chạy mất rồi.
Buổi trưa, ông đang chợp mắt thì giật mình nghe thằng cháu hét lên hốt hoảng. Ông chạy ra, thấy nó đẫm nước mắt, đưa tay chỉ cái iPad trên bàn, giọng run run, mếu máo: “Con Ki của cháu… người ta giết rồi!”. Ông vội cầm lấy cái máy, trên màn hình là cảnh quảng bá một gian hàng thịt chó sống, để nguyên con. Hóa ra, thằng bé dò tìm thú cưng trên không gian ảo nhưng chẳng may gặp phải hình ảnh khiến nó khiếp sợ và liên tưởng đến con vật đáng yêu đã mất.
Ông vỗ về cháu nhưng cảm thấy man mác khi nghĩ đến việc làm hằng ngày của mình. Đã không ít lần thằng bé làm ông bối rối, thấy mình như có lỗi. Ấy là những lúc nó thò tay vào giỏ nhốt gà, vuốt ve những con gà có bộ lông tuyệt đẹp; rồi rầm rì chuyện trò, như với một người bạn. Nó chạy đi lấy thóc cho gà ăn và dỗ dành: “Em ăn nhiều cho mau lớn, nhá”. Lời thơ ngây ấy khiến ông giật mình. Thằng bé sẽ ra sao nếu biết, ngay hôm sau những con gà ấy sẽ bị ông cho lên mâm? Ông ngồi lặng, không dám nghĩ tiếp.
Để cháu và cả những người khác không thấy cảnh mình giết mổ gia cầm, ông lấy mấy tấm bạt che kín chỗ làm, ngay lối xuống mương nước. Cả lông gà lông vịt ông cũng cho vào cái túi đen, để khuất tầm nhìn của cháu. Đọc báo, biết một kẻ vị thành niên gây án mạng là con của gia đình chuyên giết mổ heo, ông cứ bần thần, hoang mang. Cảnh chết chóc mà kẻ thủ ác từng chứng kiến từ bé có khiến tâm hồn nó chai lì để rồi sau đó lạnh lùng vung dao chém người? Nghĩ thế ông càng không muốn để đứa cháu biết việc mình làm, bởi nó chưa thể hiểu cái lý của người đời “vật dưỡng nhân”.
Lần về thăm nội tiếp theo, thằng bé thấy hai con vịt nhốt gần ảng nước, liền sà vào, vẻ thích lắm. Đây là vịt đẹt do người nuôi vịt chạy đồng thải ra khi xả đàn, bán rẻ như cho. Tuy nhiên, chịu khó vỗ béo thì chỉ sau khoảng một tháng cũng được bữa đậm. Thằng bé lật đật đi múc nước đổ vào cái gáo dừa, lại lấy thóc cho vào đó rồi ngồi bên thúc giục: “Ăn đi, uống đi, nhanh lên!” Nó cứ quanh quẩn bên hai con vịt cho tới lúc đi ngủ.
Sớm hôm sau, thằng bé là người đầu tiên phát hiện mất vịt. Mới lăn từ trên giường xuống, nó nhìn cái lồng trống không, thảng thốt: “Vịt đâu rồi, ông ơi?” Ông chạy lại, sững sờ rồi đảo mắt săm soi “hiện trường”. Thấy lồng nhốt vịt bị phá một lỗ lớn nham nhở, ông biết ngay thủ phạm là con chồn vẫn hay lủi trong lùm cây sau vườn. Thằng cháu chạy lại, đứng lặng nhìn cái lồng chỉ còn mớ lông rồi ngước nhìn ông, lặp lại câu hỏi. Ông buồn rầu: “Chúng bay về trời rồi”. “Về trời làm gì, hả ông?”. Đã lỡ mồm, sự nói dối của ông trượt dài, cũng là cách để đứa cháu khỏi đau buồn: “Để thăm mẹ, cháu ạ”. Nghe thế, nó ngước nhìn trời xanh, mắt long lanh.
Chừng một tháng sau, đúng vào dịp Tết Đoan Ngọ, thằng cháu về thăm ông bà, lại thấy hai con vịt bên ảng nước. Lần này, vịt bị buộc cả chân lẫn cánh; cạnh đó, ông vừa mài dao vừa canh chừng ấm nước trên bếp đang reo.
Tết giữa năm nhằm ngày làm việc, tưởng con cháu không về nên ông bất ngờ khi nghe chúng chào từ ngõ. Thằng bé vừa xuống xe đã chạy vào nhà; tiếng vịt kêu “cạp, cạp” từ sau hè khiến nó dỏng tai rồi reo lên: “A, vịt về rồi, vịt về rồi...”; vừa nói vừa chạy ra ảng nước. Nó ngồi xuống, vuốt ve con vật rồi thầm thì: “Em về thăm mẹ lâu không? Mẹ có khỏe không? Ôi, em lớn quá!”. Vịt giãy nảy khiến cái dây buộc dưới lớp lông lòi ra; thằng bé tròn mắt, nhìn ông: “Ông ơi, sao lại trói vịt!?”. Ông đứng lặng, bối rối. Chẳng chờ ông trả lời, thằng bé kêu lên ầm ĩ: “Thả vịt ra, thả vịt ra, ông ơi!”. Cũng không cần biết ông đang luống cuống, nó chạy đi lấy cái lồng rồi kéo ông lại như năn nỉ. Ngơ ngác, tần ngần rồi ông cũng làm theo ý cháu.
Thấy vịt nhón chân, vỗ cánh và “cạp, cạp” vang nhà khi được cởi trói, thằng bé vỗ tay, cười tít mắt. Ông thì lẳng lặng đi cất dao, tắt bếp rồi quay ra nhìn thằng cháu cùng hai con vịt, mỉm cười.
NGUYỄN TRỌNG HOẠT
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接