Thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đã bán phá giá mặt hàng lá nhôm tại thị trường Mỹ với giá thấp hơn so với giá thị trường từ 48,6% đến 106,09%.
Theo thông cáo, mặt hàng này được hưởng trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc tới 80,9%.
Theo kết quả điều tra sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ đưa ra hồi tháng Tám và 10/2017, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã bán phá giá lượng sản phẩm lá nhôm với trị giá ước tính 389 triệu USD tại thị trường Mỹ trong năm 2016.
Do đó, bộ này quyết định áp mức thuế chống phá giá ở mức từ 48,64% đến 106,09% và mức thuế chống trợ cấp từ 17,16% đến 80,97% đối với sản phẩm lá nhôm của Trung Quốc.
Các biểu thuế này có hiệu lực trong 5 năm, tuy nhiên có thể sẽ bị hủy nếu Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) xác định rằng ngành sản xuất nội địa của Mỹ không bị thiệt hại do việc nhập khẩu mặt hàng trên của Trung Quốc. ITC dự kiến công bố quyết định vào ngày 15/3 tới.
Trong một phát biểu, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh quyết định trên được đưa ra sau một tiến trình điều tra minh bạch.
Phản ứng về quyết định trên của Mỹ, ngày 28/2, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ "hết sức bất bình" và tuyên bố phía Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng tiến trình điều tra của phía Mỹ cũng như kết quả điều tra đã vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và gây thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của các công ty Trung Quốc.
Động thái trên của Mỹ không liên quan đến quyết định sắp tới của Nhà Trắng về kế hoạch áp mức thuế cao hoặc hạn ngạch đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, phần lớn đến từ Trung Quốc. Kế hoạch của Bộ Thương mại Mỹ đưa ra với lý do các sản phẩm nhập khẩu này "đe dọa an ninh quốc gia Mỹ."
Giới phân tích lo ngại những động thái này có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương bảo vệ các ngành sản xuất nội địa, lên nắm quyền, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành 102 biện pháp thương mại nhằm chống bán phá giá và trợ giá, gần gấp đôi các hành động mà chính quyền tiền nhiệm áp dụng trong cùng khoảng thời gian.