Dự thảo luật bổ sung các biện pháp hỗ trợ từ tổ chức tín dụng có sự tham gia của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Ảnh TL |
Đổi mới các biện pháp can thiệp sớm
Cụ thể, việc can thiệp sớm tổ chức tín dụng (TCTD) được quy định tại dự thảo luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua.
Theo đó, dự thảo xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.
Trong quá trình thanh tra, giám sát đối với các TCTD, căn cứ kết quả giám sát, thanh tra, tùy theo mức độ, vấn đề gặp phải của từng TCTD, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.
Như vậy, can thiệp sớm chỉ là một trong các biện pháp áp dụng đối với TCTD có những dấu hiệu cụ thể với những hạn chế, hỗ trợ phù hợp với tình trạng của từng TCTD.
Về các biện pháp hỗ trợ tại giai đoạn can thiệp sớm, trên cơ sở các biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, dự thảo luật bổ sung các biện pháp hỗ trợ từ TCTD hỗ trợ; đồng thời có sự tham gia của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Đây đều là các nguồn lực được huy động từ nội tại hệ thống TCTD, nâng cao trách nhiệm của các TCTD đối với việc duy trì và đảm bảo an toàn hệ thống; đồng thời giảm áp lực, chi phí cho cơ quan quản lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém.
Đối với khoản vay đặc biệt, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp TCTD được vay đặc biệt của NHNN, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các TCTD khác kể cả khi TCTD đó chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt để giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại TCTD; bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt mà NHNN cho vay là 0%/năm; TCTD cho vay đặc biệt được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể; bổ sung quy định về việc NHNN chỉ định cho vay đặc biệt, qua đó thêm công cụ để cơ quan quản lý xử lý, cơ cấu lại TCTD.
Lý giải về việc thiết kế quy trình can thiệp sớm TCTD, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, can thiệp sớm là vấn đề mới ở Dự Luật Các TCTD sửa đổi. Đối với mỗi TCTD từ khi được thành lập, cấp phép cho đến trong quá trình hoạt động, do những yếu tố khách quan và chủ quan, sẽ có những thời điểm, giai đoạn TCTD gặp khó khăn.
Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro để TCTD chấn chỉnh kịp thời. Nếu TCTD diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân, cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn, thông qua quá trình can thiệp sớm.
Trong quá trình can thiệp sớm, trước hết các cổ đông và chủ sở hữu ngân hàng phải có phương án khắc phục khó khăn; cơ quan quản lý sẽ đưa ra những hạn chế trong hoạt động của họ, đặc biệt trong giai đoạn này cần các giải pháp hỗ trợ.
Luật hiện hành có quy định can thiệp sớm, nhưng thời hạn chỉ 1 năm và không có các biện pháp hỗ trợ. NHNN cho rằng, thực tiễn rất khó triển khai. Chính vì vậy, dự thảo luật bổ sung các biện pháp hỗ trợ, có cả hỗ trợ từ NHNN với vai trò là người cho vay cuối cùng khi TCTD khó khăn về thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân; có cả huy động nguồn lực hỗ trợ từ các TCTD khác, từ Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; qua đó, tăng trách nhiệm của các TCTD đối với an toàn hệ thống nói chung và giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong xử lý sự cố của các TCTD.
Kinh nghiệm của Mỹ
Thực tế kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, không chờ đến khi tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản mới xử lý. Chẳng hạn, 2 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley Bank và First Republic Bank - 2 ngân hàng có tổng tài sản trên 200 tỷ USD, có nợ xấu rất thấp, chỉ dưới 1% và dự phòng rủi ro so với nợ xấu gấp 4,6 - 6 lần. Đây là các ngân hàng có lãi liên tiếp ít nhất là trong 53 quý, từ năm 2010 đến nay nhưng vẫn bị rủi ro rút tiền hàng loạt.
Với sự phát triển của công nghệ, người dân không phải đến ngân hàng mà có thể ngồi ở nhà điều khiển bằng điện thoại. Chỉ trong vài ngày, ngân hàng đã bị rút đến hơn 100 tỷ USD. Sau đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải cho vay trên 100 tỷ USD, các ngân hàng khác trong hệ thống cũng phải cho vay vài chục tỷ USD.
Điều đó cho thấy, ngân hàng hoạt động bình thường, vì lý do nào đó bị rút tiền hàng loạt, đều cần được đưa vào quá trình can thiệp sớm. Nếu chờ đến khi TCTD bị kiểm soát đặc biệt mới thực hiện các giải pháp hỗ trợ thì khó có thể để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Kịp thời sửa Luật Các TCTD, không chỉ đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh, ổn định hệ thống các TCTD mà còn là “cú hích” để các TCTD tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Biện pháp can thiệp quy định tại dự thảo Chương VIII dự thảo, gồm 5 mục, 16 điều bao gồm: Mục 1: Can thiệp sớm tổ chức tín dụng (TCTD); Mục 2: Biện pháp can thiệp sớm trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt; Mục 3: Phương án khắc phục của TCTD được can thiệp sớm; Mục 4: Phương án sáp nhập, hợp nhất của TCTD được can thiệp sớm; Mục 5: Phương án giải thể TCTD được can thiệp sớm. |