【nhất anh】Nhiều khó khăn trong phòng, chống lao
Theo WHO, bệnh lao là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh lây nhiễm. Tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc cao, chiếm 3,5% trong số bệnh nhân mới và 20% trong số bệnh nhân điều trị lại, có 13% đồng nhiễm lao/HIV.
Theo WHO, bệnh lao là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh lây nhiễm. Tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc cao, chiếm 3,5% trong số bệnh nhân mới và 20% trong số bệnh nhân điều trị lại, có 13% đồng nhiễm lao/HIV.
Trong những năm qua, hoạt động Chương trình Chống lao quốc gia ở Cà Mau vẫn được duy trì và phát huy tốt những kết quả đạt được của giai đoạn trước, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn tiếp theo, duy trì mở rộng chương trình hoá trị liệu ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS), đối phó với vấn đề lao/HIV và lao kháng thuốc. Tuy nhiên, công tác phòng, chống lao ở các tuyến hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cán bộ làm công tác phòng, chống lao ở tỉnh Cà Mau hiện nay còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu. |
Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau, trong năm 2015, trung tâm đã thực hiện khám thử đàm phát hiện lao trong toàn tỉnh với hơn 1.000 bệnh nhân. Trong đó, 986 bệnh nhân mắc lao mới và 130 trường hợp tái trị, quản lý 30 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc.
Bệnh lao thường gặp nhất là ở phổi (85-90%), nhưng lao cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (lao màng não), hệ bạch huyết (lao hạch), hệ tuần hoàn (lao kê), hệ niệu dục, xương khớp và da. Bác sĩ CKI Bùi Văn Cường, Trưởng Khoa Hô hấp - Lao, Bệnh viện Ða khoa khu vực Cái Nước, chia sẻ: “Tình trạng người dân mắc bệnh lao vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều tại các khu dân cư, khu công nghiệp. Tại khoa, không chỉ có bệnh nhân mắc lao phổi mà tỷ lệ mắc lao ngoài phổi chiếm 30% bệnh nhân đang nằm nội trú tại đây. Những tháng đầu năm 2016, khoa đã tiếp nhận và điều trị 10 trường hợp mắc lao mới, trong đó có 1 ca tái phát lại. Bệnh nhân lao nhập viện khi sức khoẻ đã suy yếu nặng, diễn biến của bệnh rất nghiêm trọng”.
Do đó, mỗi bệnh nhân mắc lao sẽ có khả năng lây nhiễm cho 10-15 người khoẻ mạnh trong cộng đồng, nếu cá nhân người bệnh không chủ động đến cơ sở y tế khám, phát hiện và điều trị lao sớm. Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Lao - Bệnh phổi, Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội, thông tin, bệnh lao sẽ không còn là nỗi lo và nguy hiểm. Người mắc lao được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, đúng thuốc và đúng các nguyên tắc trong điều trị thì nguồn lây trong cộng đồng, gia đình sẽ không còn. Người bệnh sẽ sớm hồi phục sức khoẻ, hoà nhập với mọi người, giảm gánh nặng cho xã hội.
Chương trình phòng, chống lao của tỉnh hiện nay vẫn còn gặp những khó khăn và thách thức. Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện công tác phòng, chống lao là tình trạng thiếu hụt y, bác sĩ từ tỉnh đến huyện do nguy cơ lây nhiễm cao và thu nhập thấp. Còn nhiều nhân viên y tế làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo chuyên ngành, sự già hoá của nhân viên làm công tác chuyên môn ngày càng tăng.
Cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, ngoài Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội và Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau, tuyến huyện chỉ có Bệnh viện Ða khoa khu vực Cái Nước và Bệnh viện Năm Căn có phòng khám lao - bệnh phổi, các bệnh viện, trung tâm y tế còn lại lồng ghép khám hô hấp tại phòng khám nội.
Không những vậy, tổ chống lao của 9 huyện, thành phố có trình độ chuyên môn không đồng đều, kiêm nhiệm nhiều công việc khác và thay đổi liên tục. Một số huyện thay đổi nhân viên tổ chống lao nên chưa theo kịp các hoạt động của chương trình. Từ đó, việc triển khai công tác phòng, chống lao, từ phát hiện bệnh nhân lao đến quản lý điều trị ngoại trú còn nhiều hạn chế.
Thêm vào đó, kinh phí cho công tác phòng, chống lao hiện nay chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Sự kỳ thị của xã hội; sự e dè, tự ái của bản thân người mắc lao còn khá nhiều. Chính điều này sẽ dẫn đến việc người bệnh tự ý bỏ thuốc khi thấy sức khoẻ đã ổn và nguy cơ mắc lao kháng thuốc rất cao, đặc biệt là đối với những cá nhân có nhiễm HIV thì càng nguy hiểm hơn. Vì thế, tỷ lệ lao kháng thuốc, lao/HIV, trẻ hoá lao đang có xu hướng gia tăng, góp phần làm cho công tác phòng, chống lao ngày càng thêm khó khăn và gian nan hơn.
Quan trọng hơn, cộng đồng vẫn còn xem công tác phòng, chống lao là chuyện riêng của ngành y tế, của nhân viên làm công tác chống lao. Cho nên, công tác dự phòng, hỗ trợ của các ban, ngành vẫn chưa đi sâu, đi sát và sâu sắc cùng với người dân, người mắc bệnh lao.
Ðể hoạt động phòng, chống lao ở cơ sở phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh cho chính mình và mọi người trong cộng đồng. Ðây không chỉ là trách nhiệm của nhân viên trực tiếp làm công tác phòng, chống lao mà còn là sự nghiệp của toàn dân và là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt. Ðiều này đã được quán triệt trong quan điểm chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Làm được như vậy mới khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao theo mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân./.
Bài và ảnh: Sơn Mai (Trung tâm Truyền thông GDSK)