游客发表
发帖时间:2025-01-10 00:29:06
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo “Đề án thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước”.
Trong đó, về cơ bản, việc thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện như đối với quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, ngoài ra có quy định bổ sung một số nội dung mang tính đặc thù.
Hoạt động như DN sau chuyển đổi
Do thời gian đầu mới chỉ thực hiện thí điểm, vì vậy dự kiến đối tượng chỉ áp dụng là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện cổ phần hóa bao gồm: Cơ sở đào tạo, giáo dục (đại học, cao đẳng, trung cấp); bệnh viện; viện.
Qua số liệu khảo sát, Bộ Tài chính cho biết, 30 đơn vị sự nghiệp công lập tự bù đắp được chi phí có thể thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Về tình hình tài sản, có 14 đơn vị có tổng tài sản trên 100 tỷ đồng, trong đó 11 đơn vị có số thu lớn hơn chi. Có 7 đơn vị có tổng tài sản trên 50-100 tỷ đồng, trong đó 4 đơn vị có số thu lớn hơn chi. Có 14 đơn vị có tổng tài sản trên 10-50 tỷ đồng, trong đó 6 đơn vị có số thu lớn hơn chi. Còn lại 3 đơn vị có tổng tài sản dưới 10 tỷ đồng, trong đó 1 đơn vị có số thu lớn hơn chi. (Nguồn: Bộ Tài chính) |
Hình thức cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại các đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; Bán một phần vốn Nhà nước hiện có; Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.Phương thức bán cổ phần lần đầu thực hiện bán đấu giá công khai và thỏa thuận trực tiếp.
Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật hiện hành.
Để thực hiện được mục tiêu thí điểm về chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành công ty cổ phần nhằm xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp, thì các đơn vị này sau khi cổ phần hóa cần tiếp tục thực hiện ngành nghề kinh doanh là cung cấp các loại hình sự nghiệp cho xã hội.
Đồng thời để đảm bảo các đơn vị có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, các đơn vị được tự quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở giá tính đủ các chi phí hợp lý đúng pháp luật.
Xử lý tài chính tại thời điểm cổ phần hóa
Đối với tài sản, công nợ khi chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, về cơ bản thực hiện như quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Ngoài ra, còn một số vấn đề đặc thù cần đưa ra nguyên tắc xử lý riêng như quy định: Đối với các khoản kinh phí ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức; chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị; thực hiện nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao, đang thực hiện dở dang đến thời điểm chuyển sang công ty cổ phần thì đơn vị được tiếp tục thực hiện; trường hợp kinh phí thừa hoặc không thực hiện hết phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Đối với đơn vị sự nghiệp có nguồn thu từ quỹ dự phòng ổn định thu nhập đến thời điểm đơn vị chuyển thành công ty cổ phần mà vẫn chưa sử dụng hết thì khoản tiền này được hoàn nhập ghi tăng giá trị phần vốn nhà nước tại đơn vị.
Ưu đãi cho người lao động
Đặc thù các đơn vị sự nghiệp công lập là cơ sở đào tạo, bệnh viện, viện ... nên yếu tố con người là quan trọng. Để khuyến khích người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và chủ đề tài nghiên cứu khoa học, bằng phát minh sáng chế đã được ứng dụng thì ngoài chính sách ưu đãi cho người lao động được áp dụng như quy định đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần cho phép người lao động thuộc các đối tượng này có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 5 năm (kể từ ngày đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) được mua thêm theo mức 800 cổ phần/1 năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 8.000 cổ phần cho một người lao động (theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì người lao động thuộc đối tượng này có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 3 năm được mua 500 cổ phần/1 năm cam kết, số lượng cổ phần mua không quá 5.000 cho một người lao động).
Tại dự thảo Quyết định cũng quy định trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đã cam kết thì công ty cổ phần thanh toán lại số tiền đã bỏ ra mua cổ phần sau khi trừ đi các phần lợi ích người lao động đã được hưởng từ số cổ phần mua ưu đãi. Công ty cổ phần được giữ lại số cổ phần trên để bán cho người lao động được tuyển dụng mới.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接