Với truyền thống sở hữu lực lượng tăng-thiết giáp hàng đầu thế giới,đtừngphttriểndngxetănghạngnhẹuylựchngđầuthếgiớkeo châu á trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng phát triển dòng xe tăng hạng nhẹ, nhưng có uy lực không kém gì các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) đương thời. Tuy nhiên, vì các khiếm khuyết về công nghệ, dòng xe tăng mạnh mẽ này lại không được trọng dụng và trở thành vật phẩm trưng bày tại Bảo tàng Moscow.
Dòng xe tăng hạng nhẹ mang mật danh Object 775 được giới thiệu lần đầu tiên năm 1964, không chỉ nổi tiếng ở khả cơ động cao, mà còn có khả năng bắn tên lửa qua nòng pháo chính, tính năng cực kỳ lợi hại chỉ có ở các dòng xe tăng Liên Xô. Ngoài biến thể xe tăng, khung gầm Object 775 còn được sử dụng cho các tổ hợp vũ khí phòng không Rubin và Astra.
Thiết kế mang tính cách mạng
So với thiết kế xe tăng truyền thống, nguyên mẫu Object 775 mang thiết kế đột phá với việc kíp điều khiển 2 người nằm trong khoang chiến đấu riêng biệt liền với tháp pháo. Khoang này chuyển động theo hướng nhìn của tháp pháo giúp mở rộng góc nhìn của kíp điều khiển. Trọng lượng toàn xe chỉ khoảng 36 tấn.
Nguyên mẫu xe tăng Object 775 tại Bảo tàng vùng Moscow.
Để giảm chiều cao của xe, vị trí của cả hai thành viên kíp lái của Object 775 gần nằm trong khoang điều khiển. Điều này giúp giảm chiều cao của xe chỉ khoảng 170cm, thấp hơn các dòng xe tăng cùng thời khoảng 1m. Theo tư duy tác chiến của Liên Xô, việc giảm chiều cao của xe giúp giảm khả năng bị phát hiện, cũng như trúng đạn của xe tăng trên chiến trường.
Tuy nhiên, thiết kế này cũng có những hạn chế như giảm khả năng quan sát của kíp lái trên chiến trường. Ngoài ra, những thành viên kíp lái có chiều cao trên thông thường của Nga rất khó có thể chui vào khoang lái của chiếc xe tăng hạng nhẹ này.
Nhỏ nhưng nhiều võ
Dù có kích thước nhỏ, nhưng lợi thế của Object 775 chính là hỏa lực cực mạnh dòng xe tăng này được trang bị. Object 775 được trang bị pháo chính 125mm tương tự như các dòng xe tăng chủ lực cùng thời của Liên Xô. Cùng với đó, Object 775 cũng có khả năng bắn đạn tên lửa có điều khiển và không có điều khiển qua nòng pháo chính.
Đánh giá về xe tăng Object 775, chuyên gia quân sự Viktor Litovkin nhận định: “Xe tăng hạng nhẹ được trang bị đạn tên lửa bắn qua nòng pháo chính dẫn đường bằng kênh dẫn đường hồng ngoại. Đạn tên lửa của Object 775 có tầm bắn tới 4km và khả năng xuyên giáp đạt 250mm”.
Object 775 có nhiều công nghệ mang tính cách mạng ở thời điểm xuất hiện.
Cùng với đó, Object 775 cũng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, công nghệ tân tiến so với các xe tăng cùng thời. Xạ thủ có thể chủ động chọn loại đạn tấn công qua bảng điều khiển trong khoang lái.
“Một trong những điểm mạnh của Object 775 là khả năng bắn đạn tên lửa không điều khiển trang bị đầu nổ phá mảnh cực mạnh. Đầu nổ tạo ra vùng sát thương rộng hàng chục mét để tiêu diệt sinh lực đối phương”, ông Viktor Litovkin đánh giá. Loại đạn này có tầm bắn tới 9km, tương đương với các dòng đạn nổ mảnh bắn xe tăng hiện đại.
Với 72 cơ số đạn mang theo, Object 775 thực sự như “kho đạn” trên chiến trường.
Những thiếu sót nghiêm trọng khiến Object 775 bị “thất sủng”
Dù có nhiều lợi thế về khả năng chiến đấu, nhưng Object 775 lại có điểm yếu chí tử là góc nhìn kém và hệ thống điều khiển hỏa lực quang-hồng ngoại dễ bị ảnh hưởng bởi các môi trường xung quanh.
“Bất kỳ trở ngại nào trên chiến trường như khói bụi cũng có thể khiến hệ thống điều khiển hỏa lực của Object 775 bị tê liệt. Như vậy, chính thế mạnh ở khả năng cung cấp hỏa lực mạnh của Object 775 lại là điểm yếu chí tử của nó”, chuyên gia Viktor Litovkin đánh giá.
Ngoài ra, giá thành đạn tên lửa trang bị trên Object 775 cao hơn nhiều so với đạn pháo tăng truyền thống khiến việc đưa vào trang bị hàng loạt dòng xe tăng này trở nên bất khả thi.
Chính vì những vấn đề trên, giới chức quân sự Xô Viết đã quyết định hủy bỏ chương trình phát triển xe tăng hạng nhẹ Object 775. Chỉ có duy nhất một nguyên mẫu Object 775 được chế tạo và nó đang được trưng bày tại Bảo tàng vùng Moscow.
Theo TUẤN SƠN (tổng hợp)/qdnd.vn