Cùng dự có bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình; các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình; đại diện các vụ, cục chuyên môn thuộc Bộ Tài chính và đông đảo cử tri phường Phúc Thành.
Báo cáo với các cử tri về chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng cho biết: Kỳ họp này sẽ diễn ra trong khoảng 24 ngày. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-10-2016 và dự kiến bế mạc vào ngày 22-11-2016.
Nội dung và chương trình kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 2 (tháng 8-2016) và phiên họp thứ 3 (tháng 9-2016) và sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội phê duyệt.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Đoàn Đại biểu Quốc hội Ninh Bình. |
Theo dự kiến bước đầu, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét thông qua dự án Luật về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Về xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 14 dự án luật. Về kinh tế- xã hội và tài chính – ngân sách, Quốc hội dự kiến xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Quyết định kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số vấn đề quan trọng khác như: Báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo về tình hình biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, đối sách của Việt Nam trong thời gian tới; Báo cáo về việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường liên quan đến Formosa…
Các cử tri phường Phúc Thành phát biểu ý kiến. |
Để phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổng hợp để báo cáo trước Quốc hội về các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII; Quốc hội cũng sẽ xem xét các Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế trong 9 tháng qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và của Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất về kinh tế - xã hội; tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế quản lý điều hành bằng luật pháp, cơ chế chính sách, công cụ kinh tế; nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm thực thi; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Đối với ngành Tài chính, bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2016, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều giải pháp cải cách về thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong từng lĩnh vực tài chính theo hướng hiện đại hóa, giảm chi phí và thời gian thực hiện cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh; chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục tăng cường xử lý, thu nợ thuế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu.
Tính đến 15-9, cơ quan Hải quan đã bắt giữ, xử lý trên 11,9 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý tăng thu cho ngân sách 108 tỷ đồng; cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 48 nghìn doanh nghiệp, kiểm tra 587 nghìn hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 8 nghìn tỷ đồng, đã xử lý nộp NSNN gần 4 nghìn tỷ đồng.
Nhiệm vụ chi NSNN được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định; cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; rà soát việc mua sắm tài sản nhà nước (bao gồm cả ô tô công) theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định.
Với những nỗ lực đó, nền kinh tế đã tiếp tục đà phục hồi và phát triển. GDP quý sau tăng cao hơn quý trước (quý III là 6,4%; quý II là 5,78%; quý I là 5,48%). Đáng chú ý là nông nghiệp đã từ mức tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng, lên mức 0,65% trong 9 tháng.
Kỷ luật tài chính được tăng cường; thu, chi ngân sách Nhà nước đảm bảo đúng mục đích, đúng chính sách chế độ; hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước ngày càng được nâng cao. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước các địa phương cơ bản đạt khá và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 15-10, thu ngân sách địa phương bình quân chung đạt 86% dự toán, trong đó thu ngân sách tỉnh Ninh Bình đạt 78% dự toán.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, những thành tựu tích cực đó của kinh tế cả nước có sự đóng góp quan trọng của tỉnh Ninh Bình nói chung và phường Phúc Thành nói riêng.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ghi nhận và gửi lời chúc mừng đến toàn thể cử tri và nhân dân phường Phúc Thành; đồng thời hi vọng phường Phúc Thành sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung phát triển theo hướng bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, phường Phúc Thành và đại diện các đơn vị của Bộ Tài chính. |
Cá ý kiến của cử tri tại Hội nghị đã bày tỏ lo ngại về hiện tượng tham nhũng, lãng phí; lợi ích nhóm trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn tồn tại; tỷ lệ nợ công vẫn tăng nhanh đe dọa cân đối ngân sách; việc giám sát quá trình xây dựng, hoạt động của các dự án nhà máy công nghiệp do nước ngoài đầu tư; vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, số lượng tội phạm tăng cao; cải cách quyết liệt bộ máy hành chính; ưu tiên lãi suất cho các dự án xã hội hóa; giải quyết triệt để, thỏa đáng các khiếu nại, tố cáo,…
Các cử tri phường Phúc Thành đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cảnh sát Môi trường phối hợp kiểm tra tổng thể hệ thống xả thải của các nhà máy lớn trong cả nước để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc như ở 4 tỉnh miền Trung thời gian qua.
Kiến nghị riêng cho Ninh Bình, một số cử tri đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội đề xuất với các cấp cho Ninh Bình hưởng cơ chế kinh tế đặc thù, nâng cấp lễ giỗ tổ Đinh Lê thành Quốc lễ,… để hỗ trợ tỉnh phát triển du lịch, từ đó phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã tiếp thu và giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, với mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến của các tầng lớp cử tri, thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều đổi mới trong tiếp xúc cử tri, đặc biệt là tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri về tận các khu dân cư, thôn, xóm.
Với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, tham mưu để Quốc hội có những giải pháp phù hợp, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân.