(CMO) Ở xứ Hoà Thành, TP. Cà Mau, bà con không tiếc lời khen ngợi anh Trần Văn Đảm, ấp Bùng Binh, một nông dân chân chất, hiền hoà lại cần cù, chịu thương chịu khó, nhạy bén trong sản xuất.
Ngoài nuôi tôm, anh Trần Văn Đảm còn tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng rau màu, cây ăn trái.. |
Kể về quá trình làm giàu của mình, anh Đảm bộc bạch: “Năm 2000 trở về trước, khi vùng đất này còn sản xuất nông nghiệp, với diện tích chưa đầy 3 ha, ngoài làm lúa 2 vụ, tôi mạnh dạn đầu tư đào 6 ao nuôi cá bống tượng, cá chình. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí mỗi năm thu về trên 150 triệu đồng. Thời đó, mức thu nhập này được coi là rất “lý tưởng” cho hộ sản xuất nông nghiệp xứ này”.
Đến khi có chủ trương cho chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, bước đầu anh Đảm nuôi quảng canh, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.
Không dừng lại đó, năm 2004, anh là một trong những người tiên phong đầu tư nuôi tôm công nghiệp ở địa phương, với 3 ao nuôi tôm sú và 1 ao lắng. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và học hỏi thêm kinh nghiệm thực tiễn từ những hộ nuôi tôm công nghiệp ở một số địa phương khác, anh Đảm thực hiện thành công mô hình này. Các vụ tôm năm đó, anh đều trúng đậm.
Trên đà phát triển, anh sang thêm gần 11 ha đất và mở rộng quy mô sản xuất từ 3 ao nuôi ban đầu lên 20 ao, diện tích mỗi ao từ 2.500-4.500 m2, mỗi năm lãi ròng trên 1 tỷ đồng.
Khi nhà nhà đổ xô nuôi tôm công nghiệp, do xử lý chưa tốt nên nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều hộ nông dân bị phá sản, năm 2014, anh Trần Văn Đảm tiến hành san ủi lại những ao tôm công nghiệp để nuôi tôm quảng canh cải tiến. Với trên 10 ha tôm sú mật độ thưa kết hợp nuôi cua, mỗi con nước anh thu hoạch không dưới 50 triệu đồng.
Nhờ nhạy bén trong việc chọn mô hình sản xuất thích hợp, hiệu quả bền vững mà nhiều năm liền anh Trần Văn Đảm được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, nhà cửa khang trang nhất vùng, các con đều thành đạt. Nói về anh, bà con trong ấp Bùng Binh đều nhận xét giàu mà sống nghĩa tình, chan hoà, sẵn sàng giúp đỡ bà con lối xóm./.
Phùng Quốc Toàn