游客发表

【kq mu hôm nay】Làm đẹp cho đời

发帖时间:2025-01-10 00:28:47

Báo Cà Mau(CMO) Cuộc sống đổi thay từng ngày, nhất là thôn quê giờ khác xưa nhiều. Nhu cầu của con người trở nên đa dạng hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Không chỉ còn đơn thuần là cơm ăn, áo mặc mà còn hưởng sự sảng khoái của cái đẹp: đẹp nhà, đẹp ngõ, đẹp làng quê. Ðó cũng chính là cơ hội cho nhiều ngành nghề làm đẹp cho đời phát triển.

Từng tham gia công tác Ðoàn, đối với anh Lê Minh Tân (ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) năng động, không ngại thử thách và phải là trụ cột trong kinh tế gia đình luôn là quan niệm sống từ thời trai trẻ. Có tay nghề làm dịch vụ decal, băng rôn, có quán kinh doanh ăn uống, thu nhập ổn định nhưng anh Tân vẫn chọn thêm nghề sản xuất chậu kiểng làm nghề chính, cái chính vẫn là mong giữ lại nghề truyền thống của gia đình. Trước đây, bận bịu công tác nên chỉ làm lúc rảnh, từ năm 2014 đến nay, anh chuyên tâm với nghề và phát triển nhiều hơn.

Nghề làm chậu kiểng phát triển trong vài năm gần đây.

Cạnh căn nhà lớn, anh Tân dành góc nhỏ để làm nơi sản xuất chậu kiểng, thoả sức với niềm đam mê của mình. Anh Tân tâm tình: “Thuở cha tôi làm chủ yếu là quay dạo, tức là nhà nào cần làm chậu kiểng thì mình sẽ lại đó làm luôn. Còn giờ thì tôi mở cơ sở cố định, khách hàng cần sẽ đến lựa chọn hoặc liên hệ qua điện thoại, rồi tôi chở tới nơi”.

Nghề sản xuất chậu kiểng thoạt nhìn khá đơn giản nhưng theo anh Tân, cái khó của nghề là phải làm sao giữ được khách hàng trước sự cạnh tranh mạnh của nhiều cơ sở làm nghề hiện nay. Muốn vậy, phải tạo ra sản phẩm chất lượng, phải làm thật tỉ mỉ. Nghề sản xuất chậu kiểng nói nôm na có 2 loại là loại quay hay đổ, tức là trơn hay hoa văn. Thường thì cơ sở sản xuất chậu kiểng của anh Tân chủ yếu sản xuất loại chậu trơn, với nhiều kích thước khác nhau, vì loại kiểng này có giá thành phù hợp với người tiêu dùng nông thôn.

Anh Tân cho biết: “Giá thành loại chậu trơn khá mềm, từ 50.000-500.000 đồng, còn chậu hoa văn thì tới tiền triệu. Nói chung, nghề sản xuất chậu kiểng làm được quanh năm, lúc nào rảnh thì cứ làm, để khi có khách hàng cần là có hàng cung cấp, nhưng nhộn nhịp vẫn là cận Tết. Thu nhập từ nghề này chỉ góp 1/3 trong kinh tế gia đình, tuy nhiên, tôi vẫn sẽ làm nghề, duy trì nghề, vì nghề này sẽ không bao giờ mai một”.

Song song với nghề làm chậu kiểng thì nghề trồng cây kiểng và kinh doanh cây kiểng cũng thịnh hành trong những năm gần đây. Yêu cái đẹp, thích làm điều gì đó hướng đến giá trị tinh thần, hơn chục năm về trước, lão nông Nguyễn Văn Tiên (ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) tập tành trồng kiểng. Sau khi được tham gia lớp dạy nghề trồng kiểng ở nông thôn, ông Tiên mạnh dạn chuyển hướng sang làm kinh tế từ trồng kiểng. Có lẽ có năng khiếu, cộng thêm chịu học hỏi, dù lớn tuổi ông Tiên vẫn tạo ra được những tác phẩm đầu tay cho riêng mình, tìm được khách hàng. Dần dà cơ sở mở rộng và phát triển mạnh 4, 5 năm nay. Giờ ông truyền lại đam mê, tay nghề cho con trai. Hiện, gia đình ông có 2 cơ sở, một nơi thì dành hơn 3 công đất để trồng các loại kiểng như bông trang, mai, bông giấy, sứ, kim quýt…; nơi khác thì chuyên để trưng bày, buôn bán. Rồi cũng từ mê trồng cây kiểng mà cha con ông Tiên biết và chọn nghề làm chậu kiểng làm kế sinh nhai thêm.

Với sự cần cù, sáng tạo, đôi tay khéo léo, anh Nguyễn Văn Nguyện (con ông Nguyễn Văn Tiên, ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) tạo ra nhiều tác phẩm rất đẹp từ kiểng.

Ông Tiên cho biết: “Gia đình cũng có vài công đất ruộng nhưng phải nói chủ lực kinh tế trong nhà là từ cây kiểng mà ra. Khách hàng đa phần là bà con ở địa phương. Kỹ thuật tạo dáng này nọ mình chịu khó học hỏi, tìm tòi thêm là làm được. Ðứa con của tôi ngoài việc chăm sóc cây kiểng ở nhà còn nhận sửa kiểng cho người ta. Chậu kiểng thì mình làm quanh năm. Chậu lớn thì khi có khách đặt mới làm, còn chậu nhỏ từ 1m trở xuống làm xuyên suốt, chủ yếu là làm loại chậu trơn có chữ. Ðời sống tinh thần bà con thôn quê mình nay phát triển hơn trước nhiều. Hầu như nhà nào, nơi nào cũng có trồng hoa, trồng kiểng. Từ đó, mình cũng sống được với nghề. Và khi nghề mình góp phần làm cho cuộc sống, đường làng đẹp hơn mình cũng thấy vui”.

Cũng tại ấp Sào Lưới B, có ông Hồ Hoàng Giang đam mê trồng kiểng từ nhỏ. Có đam mê, có thành công. Không chỉ trở thành tay lão luyện trong nghề trồng kiểng mà ông Giang còn là nghệ nhân cây cảnh của huyện. Ðối với nghệ nhân này, hạnh phúc lớn nhất của nghề trồng cây kiểng là tạo ra tác phẩm nghệ thuật được người trong giới công nhận.

Ông Giang bảo: “Một cây kiểng có hình hài đẹp mắt như thế này phải đổ rất nhiều công sức, tâm huyết, thời gian. Có những gốc cây tới khi tạo ra được hình hài như mong muốn phải mất 1/3 đời người. Bởi vậy, giá trị của nó rất cao vì mang yếu tố tinh thần trong đó. Tôi chơi kiểng chủ yếu là thoả đam mê, tạo ra tác phẩm nghệ thuật để giao lưu với bạn bè, với hội cây cảnh. Khi tác phẩm mình bỏ công sức ra được mọi người công nhận, khen ngợi thì còn hạnh phúc hơn là cầm đồng tiền có được từ bán gốc cây đó”.

Ðồng tiền đổ mồ hôi, công sức có được luôn là đồng tiền đáng quý. Những người như anh Tân, ông Tiên, ông Giang không chỉ dựng xây cuộc sống cho mình từ công sức, mồ hôi có được mà còn góp phần tạo nên bức tranh cuộc sống, bức tranh nông thôn xinh đẹp hơn. Tết cận kề, dù băn khoăn trước dịch bệnh, họ vẫn cần mẫn chăm chút cho từng sản phẩm để hài lòng những vị khách quê nhà./.

 

Ngọc Minh

 

    热门排行

    友情链接