Thiếu sân bãi
Không tính bậc đại học và cao đẳng,ỡkhóchothểthaotrườnghọsoi keo nha hiện toàn tỉnh có 593 trường (40 trường THPT, 130 trường THCS, 216 trường tiểu học và 207 trường mầm non). Tuy 100% các trường phổ thông có giáo viên chuyên trách dạy thể dục và dụng cụ dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn thể dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định, nhưng khó khăn là nhiều trường đang thiếu sân bãi tập luyện, nhà đa năng. Tại TP. Huế, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều lớp phải học thể dục tại công viên Lý Tự Trọng, Gia Hội, sân Hàm Nghi (trước Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế)… Một số trường khác phải “liệu cơm gắp mắm” dạy tại sân trường.
Ông Bùi Văn Long, giáo viên thể dục Trường THCS Nguyễn Du (TP. Huế) chia sẻ, do thiếu sân bãi nên nhà trường cho học sinh học thể dục tại công viên Gia Hội. Việc dạy học thường bị gián đoạn vào ngày mưa trong khi mùa hè nắng nóng cũng gặp khó. Công tác tập luyện cho học sinh đi thi các giải như Hội khỏe Phù Đổng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Việc thiếu sân bãi thể thao kéo theo những khó khăn khác là thiếu điều kiện tập luyện, duy trì và phát triển hệ thống giải để phát hiện những nhân tố điển hình đóng góp cho các đội tuyển. Lâu nay, ngành thể thao tỉnh gặp khó trong việc tuyển quân, một phần nguyên nhân do chất lượng chuyên môn của VĐV (là học sinh) các trường còn yếu. Khi tuyển quân, ban huấn luyện các đội tuyển ít có điều kiện đo lường tài năng thể thao của VĐV mà chủ yếu dựa vào tiêu chí ngoại hình và một số yếu tố khác, vì thế có trường hợp khi lên đội tuyển phải dừng bước do không có khả năng phát triển hơn.
Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao (TDTT) Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, nếu các trường có sân bãi để đào tạo, tập luyện và duy trì, phát triển được hệ thống giải thì sẽ khả quan hơn, bởi người có năng khiếu TDTT cần thường xuyên được cọ xát tránh giảm sút phong độ. “Một số trường đại học tại Huế duy trì được hệ thống giải đấu như bóng đá, bóng chuyền… nhưng do đối tượng sinh viên đã lớn tuổi nên khó đào tạo, phát triển thành tích, trong khi nhiều trường phổ thông tổ chức giải chưa thực sự có chất lượng nên thể thao trường học chưa thể đóng góp nhiều cho thể thao thành tích cao”, ông Tư nói.
Nên tận dụng những gì đang có
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục – thể thao đến năm 2020”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà cho rằng, tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và làm nền tảng cho thể thao thành tích cao. Thể thao thành tích cao vẫn chưa bền vững, không duy trì được thứ hạng cao và thành tích thi đấu, nhất là các giải khu vực và quốc tế.
Cũng tại hội nghị nói trên, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thừa nhận, chương trình đào tạo bộ môn thể dục hiện này còn ít, từ bậc tiểu học đến THPT chỉ có 2 tiết/tuần, chưa đáp ứng được sự phát triển thể lực của học sinh trong giai đoạn mới. Trong khi đó việc thay đổi chương trình, điều phối thời lượng các môn không phải đơn giản và cần có sự nghiên cứu rất kỹ. Điều này cộng với những khó khăn đã đề cập tạo ra một bài toán khó cho thể thao trường học.
Thực tế, giải pháp gỡ khó cho bài toán này vẫn có nhưng chưa được các trường tận dụng tốt. Đơn cử như môn cờ vua được đưa vào nhiều trường học, nhất là các trường tại TP. Huế nhưng nhiều trường vẫn chưa đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Cờ Thừa Thiên Huế nhận định, dù là những môn tập luyện thi đấu trong nhà, không đòi hỏi sân bãi, cơ sở vật chất tập luyện nhiều nhưng một số trường vẫn chưa phát triển được. Điều này đặt ra câu hỏi liệu với những môn khác, khi đầu tư thì các trường có làm tốt để đáp ứng mục tiêu thể thao và tránh lãng phí ?
Nhiều trường học đang được hưởng các dự án hỗ trợ cho học sinh về bơi lội, bóng đá cộng đồng… Các dự án này không chỉ đào tạo cho học sinh mà còn tập huấn cho các giáo viên, nếu tranh thủ tốt thì đây cũng là cơ hội của thể thao trường học. Bên cạnh đó, một số trường có thể liên kết với các câu lạc bộ võ thuật, bóng bàn, cầu lông… đang hoạt động, tập luyện trong các trường. Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp sử dụng, khai thác chung các công trình TDTT của các ban, ngành, đoàn thể trong khu vực địa bàn dân cư, trường học để giải quyết vấn đề thiếu sân bãi.
Thừa Thiên Huế không nằm ở top mạnh của thể thao Việt Nam song luôn giữ một vị trí tương đối nếu đem so sánh với các tỉnh, thành trên cả nước. Trong bối cảnh còn khó khăn, ngành thể thao nên phối hợp chặt chẽ hơn với ngành giáo dục, nghiên cứu hướng đi phù hợp điều kiện thực tế và hiệu quả. Đây là sự đầu tư lợi cả đôi đường.
MINH TÂM