Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn,ệuquảcccngtrnhngănmặkq sivasspor các công trình nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cho thấy hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó là các giải pháp chủ động từ người dân giúp giảm thiểu rủi ro khi canh tác trong mùa khô. UBND tỉnh cùng ngành nông nghiệp kiểm tra, vận hành cống Hậu Giang 3 (huyện Phụng Hiệp) trước mùa mặn. Người dân chủ động Những năm gần đây, người dân ngày càng linh động, phản ứng nhanh với thông tin, dự báo hạn hán, xâm nhập mặn. Những khuyến cáo của ngành chức năng đã giúp người dân từ lịch thời vụ, diễn biến mặn tại các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho nông dân bảo vệ diện tích sản xuất. Canh tác gần 2ha lúa ở ấp 3 và ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết: “Tôi và người dân trong nội đồng theo dõi thông tin cảnh báo xâm nhập mặn mỗi ngày. Cứ thấy các cống bên ngoài bị đóng lại là tôi cũng hạn chế cho nước vào ruộng. Theo tôi, canh tác mùa hạn, mặn phải nắm bắt kịp thời thông tin cảnh báo thì sẽ hạn chế được rủi ro, thiệt hại”. Người dân thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chủ động trữ nước tưới tiêu trong mùa hạn, mặn. Một giải pháp đang được nông dân áp dụng là dùng tỷ trọng kế đo độ mặn (ống đo độ mặn) trước khi trữ nước trong ao, mương. Thiết bị này do Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp. Hiện nay, người dân nhiều nơi tìm mua tại các trạm khuyến nông huyện. Phấn khởi khi cầm dụng cụ kiểm tra độ mặn trên tay, nông dân Lý Văn Oanh, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết canh tác mùa hạn, mặn cần nhất là nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác. Do vậy, ông đã tìm mua tỷ trọng kế đo độ mặn để tự kiểm tra nồng độ mặn hàng ngày, phục vụ trữ và tháo nước tưới tiêu cho vườn mãng cầu xiêm, lúa và rau màu. “Nghe tin có tỷ trọng kế đo độ mặn, tôi đã liên hệ để mua. Quả thật rất hữu ích, giá rẻ, chỉ khoảng 80.000 đồng/cái. Từ khi có thiết bị này, tôi nhẹ lo hơn khi canh tác 20 công đất trồng lúa, rau màu trong mùa hạn, mặn. Bây giờ, trước khi lấy nước vào trữ trong mương, tôi đều dùng để kiểm tra độ mặn. Nghe thông tin xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp trong tháng 3, tháng 4 nên tôi phải chủ động lịch thời vụ theo khuyến cáo và thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn, kết hợp với thiết bị tỷ trọng kế đo độ mặn mới an tâm canh tác”, ông Oanh bộc bạch. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Khoảng 2 tuần trước, ngành ghi nhận nồng độ mặn tăng nên xin lệnh đóng các cống ngăn mặn ở khu vực xã Phương Phú. Sau đó, chúng tôi giữ tiến độ đo mặn hàng ngày, nồng độ mặn từ 0,7-0,9‰ vẫn giữ không mở các cống. Đặc biệt, luôn theo dõi chặt diễn biến xâm nhập mặn và đến ngày 19-2 độ mặn giảm chỉ còn 0,3‰ đã cho mở các cống để lấy nước vào phục vụ tưới tiêu. Mỗi ngày, ngành chức năng đo mặn 2 lần vào buổi sáng và chiều để có thông báo kịp thời cho người dân”. Ông Tuấn thông tin thêm là nhiều hộ đã liên hệ với ngành nông nghiệp tìm mua thiết bị đo mặn để sử dụng tại nhà. Từ đó cho thấy sự chủ động của bà con trong mùa hạn, mặn. Nhìn chung, trên địa bàn huyện, người dân có ý thức cao về công tác ứng phó mặn. Trong lúc đỉnh điểm này, hạn, mặn được dự báo kéo dài đến hết tháng 3 và qua tháng 4. Ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi thông báo về diễn biến mặn trên báo chí. Đối với chính quyền địa phương, sẽ tạo nhóm trên ứng dụng điện thoại để cập nhật biểu đo mặn thông báo cho nông dân, từ 1,1‰ trở lên thì cho đóng cống. Đồng thời, có khuyến cáo bà con về các loại cây trồng phù hợp. Về giải pháp công trình, sắp tới huyện tiến hành nạo vét các tuyến kênh nội đồng trữ ngọt để bà con tưới tiêu trong mùa mặn. Đến mùa hạn, khoanh vùng từng khu vực bị hạn cục bộ, huy động máy móc về bơm lấy nước cho bà con tưới tiêu trong nội đồng. Còn đối với các vườn cây ăn trái, người dân tự chủ động đảm bảo sản xuất. Đến nay, tất cả các khu vực trên địa bàn Phụng Hiệp không có thiệt hại do xâm nhập mặn. Phát huy hiệu quả công trình Còn tại huyện Long Mỹ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin hiện nay địa phương đã tiến hành đóng 23 cống hở, 13 cống tròn; 10 đập sắt, 60 đập đất… Bên cạnh đó, hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh đóng vai trò lớn trong công tác ngăn mặn, bảo vệ diện tích sản xuất trên địa bàn huyện. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, nhìn nhận: Hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh có vai trò rất quan trọng, như một vòng cung bên ngoài bảo vệ diện tích đất nông nghiệp. Khi vận hành đóng các cống trên tuyến, nước mặn không xâm nhập được vào trong kênh. Tuyến này chắc chắn, có đê bao kiên cố phục vụ tốt công tác chống xâm nhập mặn. Hiện nay, tất cả các công trình cống, đập trên địa bàn huyện Long Mỹ đều đảm bảo, thường xuyên gia cố để sản xuất an toàn. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, các công trình ngăn mặn đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp đảm bảo diện tích sản xuất của nông dân. Trong đó, phải kể đến công trình lớn của tỉnh như hệ thống đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, hệ thống cống Nam - Bắc Xà No. Ngoài ra, cống Hậu Giang 3 đã vận hành tốt trong mùa hạn, mặn năm 2020, đáp ứng kỳ vọng của người dân. Công trình được thiết kế theo hình thức bê tông cốt thép, cửa cống có thể nâng lên hạ xuống bằng xi lanh thủy lực nhờ vào áp lực dòng chảy. Với kết cấu này đảm bảo cho việc mỗi lần đóng mở cống nhanh chóng. Từ khi đưa vào sử dụng, cống Hậu Giang 3 đã chủ động cho hàng ngàn héc-ta đất sản xuất ở các khu vực trũng ở vùng Phụng Hiệp, Long Mỹ. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhận định: Cống Hậu Giang 3 (huyện Long Mỹ), cống Năm Căn, cống Hậu Giang 3 (huyện Phụng Hiệp) đảm bảo tốt cho công tác hạn, mặn trong thời gian tới. Mặt khác, việc kiểm tra, duy tu, sửa chữa tất cả các công trình trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình do tỉnh quản lý đã hoàn thành. Trong quá trình vận hành tới đây, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra để đảm bảo tốt nhất. Các nhà khoa học đã sớm dự báo diễn biến mặn hết sức phức tạp trên 2 triều Biển Đông và Biển Tây, vì vậy ngành chức năng sẽ tiếp tục chỉ đạo thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt là trên hệ thống đo mặn tự động. Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến thời điểm này, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đặc biệt rút kinh nghiệm từ đợt xâm nhập mặn 2016, tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sâu sát về công tác chỉ đạo ứng phó hạn, mặn. Kịch bản và kế hoạch phòng, chống hạn, mặn của tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. |
Bài, ảnh: KỲ ANH |