Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15-15,5% vào GDP cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chưa loại trừ yếu tố giá đạt tốc độ tăng bình quân 13-13,5%/năm. Đến năm 2030, phấn đấu đạt trên 40-45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước... Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở pháp lý; tập trung hình thành một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong nước có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo sức lan tỏa đối với các doanh nghiệp vệ tinh… Có thể thấy, đây đều là những giải pháp mà các bộ, ngành và doanh nghiệp đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, mức độ thực hiện vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “bung” hết sức nên còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa. Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường thương mại đa dạng, các doanh nghiệp cần được phát triển đa dạng về hình thức, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hình thành các tập đoàn / doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối. Bên cạnh đó, phát triển thị trường thương mại trong nước từ phía doanh nghiệp thôi chưa đủ, các cơ quan quản lý cần chính sách để tăng cầu tiêu dùng trong nước, quản lý giá cả hàng hóa hài hòa. Tình hình dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, vận tải khó khăn càng làm cho nhu cầu phát triển thị trường thương mại trong nước trở nên cấp bách. Chính sách đã có, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải tìm cách “đi tắt đón đầu” về các giải pháp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để theo đúng các mục tiêu đã đề ra, tăng sức cạnh tranh với thị trường quốc tế. |