Một chặng đường sôi nổi
Cao Hữu Duyệt sinh năm 1911,ữuDuyệttừbáoBạnĐườngđếnbákết quả trận đấu việt nam quê làng Thế Chí Đông, huyện Phong Điền trong một gia đình nhà nho. Anh của ông làm y tế Nhà thương Huế, khi đổi ra Thanh Hóa đã dành tiền mua đất ở một vùng bán sơn địa, lập nên thôn Lạc Lâm cho người Huế ra lập nghiệp; trong đó, có cụ Thừa là thân sinh họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, cụ Bửu Đồng trong hoàng tộc…Về sau, trong kháng chiến chống Pháp, có nhiều người nổi tiếng đã ghé đến ở đây, như cụ Đào Duy Anh, cụ bà Đạm Phương, mẹ của nhà phê bình lý luận Hải Triều…
Trường THPT chuyên Quốc Học, nơi ông Cao Hữu Duyệt làm bí thư chi bộ đầu tiên. Ảnh: LĐ
Là người con thứ năm trong gia đình đông con, nhưng ông vẫn được cha mẹ cho đi học ở Trường Quốc Học. Trong thời gian học đệ tam trước năm 1930, ông đã tham gia Đảng Tân Việt. Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập tháng 02/1930, đến tháng 4/1930, ông cùng các đồng chí thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Trường Quốc Học và được cử làm Bí thư chi bộ. Như vậy, ông là nhà cách mạng, đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.
Tháng 10/1930, do hoạt động bị lộ, mật thám Pháp ập vào bắt ông ngay trong giờ học. Ông bị xử 9 năm khổ sai đày đi Lao Bảo. Cùng bị giam với ông, có các đồng chí Trần Hữu Dực, Lê Viết Lượng, Trần Mai Ninh, Lê Tấc Đắc, Thôi Hữu… Trong tù, Cao Hữu Duyệt tự tay biên soạn hệ thống triết học kinh tế chính trị Mác-Lênin, cùng với ông Trần Văn Cung (Bí thư Kỳ bộ Thanh niên) làm bài giảng cho anh em trong tù học tập. Bài giảng của hai ông được ông Lê Sĩ Thận bí mật viết lại, đóng thành tập nhỏ cỡ 10cmx7cm chuyền tay nhau cho bạn tù học tập.
Năm 1936, ông ra tù khi vừa 26 tuổi. Ít lâu sau ông thành hôn với nữ sinh Đồng Khánh Trần Thị Phùng. Để che mắt nhà chức trách, ông đưa vợ con về vùng Lạc Lâm, làm ruộng phát rẫy. Bà cũng theo ông quần xắn tận gối cày bừa, nhổ cỏ, gặt hái, chăn nuôi gia súc. Không ai biết cô nữ sinh Đồng Khánh kia vốn gốc gác là cháu quan Thượng thư Bộ Học Trần Thanh Đạt, cô của nhà văn Trần Thanh Mại…
Rồi người ta thấy ông đạp xe đi về thành phố. Không ai biết ông làm gì, nhưng ông đã liên lạc với cách mạng qua cơ sở tiệm sách Hạc Thành.
Từ báo Bạn Đường
Chiến tranh thế giới II bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp cách mạng. Đời sống ngày càng nghẹt thở. Năm 1941, được sự hỗ trợ của đồng chí, ông Cao Hữu Duyệt đứng ra mở báo Bạn Đường, một tờ báo ra hàng tuần lấy mục đích đấu tranh cho người nghèo, kín đáo tuyên truyền cho cách mạng. Ông vừa chủ nhiệm kiêm chủ bút, vừa làm phóng viên, bút danh Hữu Duy. Trình bày báo là họa sĩ Phạm Viết Song. Những đồng chí quen biết, như Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, nữ sĩ Anh Thơ thường viết bài cho ông… Năm 1943, báo Bạn Đường bị thực dân Pháp khám xét tòa soạn, người phụ trách bị thẩm tra, tuy nhiên chính quyền thực dân không thu thập được bất kỳ tài liệu nào. Dù vậy báo Bạn Đường vẫn bị đình bản, ông trở về Lạc Lâm, hoạt động bí mật.
Đường Cao Hữu Duyệt trên bản đồ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: TL
Đến báo A.B.C
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Cao Hữu Duyệt trở lại thị xã Thanh Hoá. Tại đây, Chủ tịch tỉnh Lê Tất Đắc đã cử ông làm Trưởng phòng Văn hoá thông tin. Ông xin phép tỉnh cho ra tờ báo A.B.C, lấy ý từ cuốn A.B.C du communisme (Vỡ lòng chủ nghĩa cộng sản) của nhà cách mạng Nga Boukharine. A.B.C đề cập đến những kiến thức vỡ lòng về chủ nghĩa Mác, về cách mạng vô sản một cách dễ hiểu, hướng dẫn cho thanh niên, trí thức đến với cách mạng, rất được bạn đọc hoan nghênh. Tờ báo có đủ các mục xã luận, phổ biến những kiến thức phổ thông và văn thơ. Cao Hữu Duyệt còn dịch các tác phẩm tiến bộ trên thế giới ra tiếng Việt đăng trên báo. Mọi chi phí làm báo đều do ông Lê Xuân Phùng cung cấp.
Nhưng rồi, chính trong những ngày đầu cách mạng sôi nổi đó, những chứng bệnh trong những năm tháng lao tù Lao Bảo, những năm tháng lao lực giữa núi rừng kháng chiến… đã quay trở lại hành hạ ông. Giữa lúc ông nhiệt tình gánh vác tờ báo, một cơn sốt rét ác tính đã quật ngã ông. Ông qua đời ngày 25/2/1946.
Phụ việc cho ông lúc đó là người cháu Cao Hữu Nhu, vừa đỗ tú tài Trường Quốc Học - Huế.
Khi ông Cao Hữu Duyệt mất, ông Nhu đang cho in số báo A.B.C cuối cùng. Ông Cao Hữu Nhu sau này đã cung cấp tài liệu, chứng cứ hoạt động cách mạng của Bí thư chi bộ đầu tiên Cao Hữu Duyệt cho Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Quốc Học.
HỒ HOÀNG THẢO