Ông đánh giá như thế nào về những thách thức mà nông dân Việt Nam phải đối mặt trong hội nhập sâu?ầnmayáogiápchonôngdânViệgiải ngoại hạng thái
Hiện, cả nước có khoảng trên dưới 10 triệu hộ nông dân, đa phần là các hộ sản xuất nhỏ, bình quân đất đai chỉ khoảng 0,62 ha/hộ. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó lớn nhất là TPP và AEC, nông dân đang gặp phải hàng loạt khó khăn thách thức như: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chịu rủi ro cao; khả năng thích ứng và chống đỡ các cú sốc, đặc biệt là cú sốc về thị trường còn yếu; thông tin và tiếp cận thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; sự tham gia liên kết trong các chuỗi giá trị nông sản chưa cao.
Theo ông, để ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông dân Việt Nam nói riêng từng bước hội nhập thành công, đâu là giải pháp mang tính đột phá?
Tôi cho rằng, giải pháp quan trọng, thậm chí mang tính đột phá để giải quyết vấn đề chính là phải xây dựng được các tổ chức xã hội nghề nghiệp cho nông dân như một “áo giáp” nhiều mặt, nhiều lớp, vừa để bảo vệ che chắn vừa là nâng cao năng lực cho nông dân.
Các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nông nghiệp (gọi tắt là các APOs) là tập hợp tự nguyện do chính những người nông dân hoặc người sản xuất bầu ra, được quản lý dân chủ.
Theo truyền thống, APOs có 3 loại chính. Loại thứ nhất là các liên minh/liên đoàn/liên hiệp/hiệp hội có chức năng chính là bảo vệ quyền lợi của thành viên/người sản xuất. Loại thứ hai là các tổ chức nghề nghiệp mang tính chất dẫn dắt và định hướng kinh tế cho thành viên/hộ gia đình nông dân. Đó là các hợp tác xã, tổ hợp tác do người nông dân tự nguyện thành lập hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng giữa các thành viên. Loại thứ ba là các tổ chức tư vấn hoặc hỗ trợ thực thi chính sách phát triển trong sản xuất và thương mại nông sản. Ở một số nước, loại này thường là các phòng nông nghiệp ở cấp huyện. Đây vẫn là tổ chức do người dân bầu lên và thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn nông dân tiếp cận chính sách.
Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các loại hình tổ chức xã hội nghề nghiệp nông nghiệp được lồng ghép vào trong một tổ chức lớn mạnh cấp quốc gia là Liên minh hợp tác xã Nhật Bản (JA) hay Liên đoàn quốc gia Hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc (NACF).
Dễ thấy, ở Việt Nam hiện nay cũng đã tồn tại một số hình thức được xem như APOs . Xin ông phân tích rõ hơn, đặc điểm của hệ thống APOs tại Việt Nam cũng như vai trò của các đơn vị này trong nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân?
Do khái niệm về APOs ở Việt Nam chưa thực sự được sử dụng rộng rãi và do hoàn cảnh kinh tế, chính trị Việt Nam rất khác so với các quốc gia khác nên đặc điểm của hệ thống APOs cũng khá khác biệt.
Mô hình tổ chức APOs chưa rõ ràng. Hệ thống chủ yếu là các hợp tác xã/tổ hợp tác hỗ trợ dẫn dắt kinh tế hộ nông dân, nhưng số đơn vị hoạt động hiệu quả chưa cao. Các thể chế tổ chức hội, liên đoàn, nghiệp đoàn mang chức năng bảo vệ quyền lợi của người sản xuất dạng như các liên đoàn, nghiệp đoàn, hiệp hội, đặc biệt là hiệp hội ngành hàng đã có nhưng chưa mạnh. Các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh cũng tham gia bảo vệ và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhưng thiếu chiến lược tham gia rõ ràng.
Ngoài ra, điều đáng nói là ở Việt Nam hiện nay thiếu các tổ chức tư vấn, giám sát, đánh giá việc thực thi chính sách hỗ trợ phát triển (các Phòng Nông nghiệp hoặc tương đương). Các phòng nông nghiệp ở Việt Nam là đơn vị tham mưu cho UBND cấp huyện trong quản lý Nhà nước về nông nghiệp chứ không phải là tổ chức phi Nhà nước do nông dân, người sản xuất bầu ra. Vì vậy, một mặt người sản xuất thiếu đội ngũ tư vấn trong tiếp cận chính sách, mặt khác các chính sách được ban hành không được theo dõi đánh giá một cách khách quan.
Việt Nam nên xây dựng hệ thống APOs như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?
Việt Nam khó có thể áp dụng nguyên bản các mô hình tổ chức APOs như tại các nước châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc… Với đặc thù kinh tế xã hội, khó có thể thay đổi một sớm một chiều vai trò của Liên minh hợp tác xã theo hướng tạo nên một nghiệp đoàn độc lập, đại diện cho quyền lợi của các thành viên (nông dân). Chính phủ có thể ủy quyền và hỗ trợ cho Liên minh hợp tác xã các chức năng “độc quyền” về cung cấp tài chính, thương mại nông sản như các Chính phủ Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm với JA và NACF. Ngoài ra, với quy định của Luật tổ chức hành chính hiện nay, khó có thể thay đổi hay bổ sung mô hình tổ chức “Phòng Nông nghiệp” ở cấp huyện theo nguyên tắc dân cử như một số nước đã làm nhằm tạo ra tổ chức phi Nhà nước thực hiện việc tư vấn, giám sát đánh giá độc lập việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển của Chính phủ ở các địa phương.
Giải pháp tốt nhất để củng cố phát triển và hoàn thiện APOs là huy động sự tham gia của Hội Nông dân Việt Nam vào một số các chức năng của APOs. Đặc biệt là chức năng bảo vệ quyền lợi của nông dân và người sản xuất; chức năng tư vấn, giám sát, đánh giá việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển ở địa phương.
Xin cảm ơn ông!