| Tổ chức chào cờ và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc |
Người vẽ nên lá cờ Tổ quốc là chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến. Ông sinh ngày 5/3/1901 tại làng Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam Kỳ nhất trí và xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp ngày 23/11/1940. Tại Hội nghị Tân Trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Quốc dân đại hội đã nhất trí chọn lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến làm Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc kỳ hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Về ý nghĩa hình thức Quốc kỳ, nền đỏ tươi tượng trưng cho màu máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu sinh lực và chiến đấu, chiến thắng; sắc vàng tươi của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, cho sự rạng rỡ của linh hồn dân tộc Việt Nam; 5 cánh sao là sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân (sĩ, công, nông, thương, binh) trong sự nghiệp dựng, giữ và phát triển đất nước. | Lễ chào cờ đầu tuần của cơ quan Huyện ủy Quảng Điền |
Trên địa bàn toàn tỉnh, từ năm 2014, nhiều cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị, thành trong tỉnh đã tổ chức và duy trì đều đặn nghi lễ này. Ông Nguyễn Ánh Cầu, Ủy viên TVHU, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Điền cho biết: “Nhận thức việc tổ chức chào cờ và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân. Thông qua Lễ chào cờ, nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng và lòng tự hào dân tộc. Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2020, Đảng ủy Cơ quan Huyện ủy Quảng Điền đã phối hợp với Đảng ủy Khối Mặt trận và các đoàn thể huyện tổ chức chào cờ định kỳ vào sáng thứ hai của tuần đầu tiên trong tháng. Hoạt động tại đơn vị đã đi vào nề nếp và tạo được sự lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Nhiều tổ chức đảng trực thuộc đã tiến hành xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện, như Đảng ủy xã Quảng Thọ, Quảng Công, Thị trấn Sịa, Quảng Thành… cũng đã thực hiện đều đặn nghi lễ này”. | Kết hợp lễ chào cờ và biểu dương, khen thưởng |
Ông Hà Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Hương trà thông tin, từ tháng 7/2014, Thị ủy Hương Trà đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện đến cơ sở thực hiện. Hiện nay, 100% các cơ quan trên địa bàn đã thực hiện (chỉ còn khối doanh nghiệp chưa triển khai). Thị ủy Hương Trà đang tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, rà soát và đẩy mạnh để đưa nghi lễ chào cờ đầu tuần đi vào nề nếp. Các huyện A Lưới, Phú Vang, trong tháng 6/2024 sẽ tổ chức quán triệt các quy định và hướng dẫn mới của Tỉnh ủy, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn huyện, Bí thư Huyện ủy Phú Vang Trần Gia Công và Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng thông tin. Việc tổ chức Lễ chào cờ tại các cơ quan, đơn vị bước đầu đã có tác động mạnh mẽ từ nhận thức, đến hành động, đã dần tạo thói quen cho đội ngũ CBĐV có ý thức đến cơ quan thật sớm vào ngày đầu tuần để rà soát công việc, trang phục công sở và việc quy định cán bộ nữ mặc áo dài truyền thống khi chào cờ. Đặc biệt, trong chương trình của buổi lễ có nội dung điểm lại các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng trong tháng, lồng ghép tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác, trong học tập và làm theo Bác trong một quý. Nghi lễ thiêng liêng trước lá cờ Tổ quốc đã tạo động lực khích lệ, thi đua tu dưỡng, rèn luyện và công tác tốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng cần tập trung triển khai trong tuần, trong tháng được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt trước Cờ giúp cho cán bộ, đảng viên ghi nhớ và triển khai thực hiện tốt. | Cơ quan xã Quảng thọ, Quảng Điền là đơn vị duy trì tốt Lễ chào cờ đầu tuần trong nhiều năm qua |
Theo ông Nguyễn Ánh Cầu, để một buổi chào cờ thật sự có hiệu quả, cần lưu ý một số nội dung như: phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách các công việc (trang trí, âm thanh, chuẩn bị bài tuyên truyền, tham mưu đối tượng được tuyên dương…). Việc này nên phân công luân phiên cho các đơn vị trong khối của huyện hoặc đối với các xã, thị trấn thì phân công luân phiên cho mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn xã đảm nhận. Chú trọng việc xem xét, lựa chọn tập thể và cá nhân để tuyên dương dưới cờ. Việc nêu tên, biểu dương, khích lệ các đơn vị, cá nhân có những thành tích nổi trội trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ tạo được động lực và tinh thần phấn khích tích cực. Vì vậy, việc này nên tổ chức đều đặn và duy trì thường xuyên. Lãnh đạo (trưởng khối, bí thư, thủ trưởng cơ quan, đơn vị) cần quan tâm xác định công việc trọng tâm, trọng điểm để có nội dung giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân trước cờ. Lần chào cờ tiếp sau phải có sự đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại phiên chào cờ lần trước. Thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tuần là việc làm không quá khó nhưng đem lại hiệu quả to lớn về nhận thức, tư tưởng và hành động đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần dân tộc, chung tay xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. |