Công nhân Công ty TNHH Shyang Ying, Khu công nghiệp Đồng Xoài II tan ca - Ảnh: S.H
Cơ hội rộng mở cho nhà đầu tư
Thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước đang có mối quan hệ tương hỗ với các tỉnh trong khu vực vùng kinh tế động lực như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, vùng biên giới Tây Nam của quốc gia... Đây là vị trí đắc địa để phát triển giao thông đường bộ, đường sắt nội tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Bình Phước cũng là đầu mối giao thông nối các tỉnh miền Đông Nam bộ với các tỉnh phía Bắc, có các trục hành lang không gian chiến lược như: quốc lộ 13 và trục đường sắt xuyên Á (trục thành phố Hồ Chí Minh - Viêng Chăn (Lào) qua Lộc Ninh); trục xuyên Việt quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh dự kiến). Trục đường liên tỉnh ĐT741 nối quốc lộ 14 đi từ Đồng Xoài đến Bình Dương, nối với ĐT747B và kết thúc ở đường xuyên Á. Trục này tương lai sẽ là động lực cho các dự án kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.
Lợi thế lớn nhất của tỉnh mà nhiều tỉnh khác không có chính là sở hữu quỹ đất lớn. Không chỉ có diện tích đất tự nhiên 6.857,3km2, chiếm 22,5% diện tích toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (30.412,4km2) mà đất có độ phì nhiêu cao thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp như: điều, cao su, tiêu, cây ăn quả, trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm... phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; khai thác nguyên liệu tại chỗ như xi măng, gạch, đá, gỗ, cát xây dựng... phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp.
Là địa bàn năng động và có nhiều cơ hội khởi nghiệp nên Bình Phước đã và đang thu hút số lượng lớn người trong độ tuổi lao động từ nhiều tỉnh, thành đến lập nghiệp, tạo thuận lợi về nhân lực và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp khi đến Bình Phước đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng công trình hạ tầng quan trọng như: giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, hạ tầng đô thị. Năm 2016, hai quốc lộ 13, 14, đường ĐT741, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện... đã được thảm nhựa lại, tạo thuận lợi hơn trong mời gọi đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành hữu quan cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Theo đó, ngày càng nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã được hoàn thiện phục vụ đi lại, giao thương thuận lợi.
Cùng với đó, hạ tầng điện cũng được tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng đầu tư kịp thời, có hiệu quả. Hệ thống hạ tầng viễn thông, dịch vụ internet với nhiều đơn vị viễn thông (VNPT, Viettel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các dịch vụ internet) cũng là thế mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Công tác xúc tiến đầu tư - thương mại cũng đang được tích cực triển khai. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các chính sách về thu hút và ưu đãi đầu tư được cụ thể hóa nên tình hình thu hút đầu tư của tỉnh đã có những kết quả đáng mừng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (2015-2020), Ban quản lý các Khu kinh tế đang tiếp tục tham mưu tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, sớm lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có theo quy hoạch; xúc tiến triển khai Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Đồng Phú, Dự án Becamex Bình Phước. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm ổn định, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp; chế biến sâu thành các sản phẩm tinh chế nhằm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất; chú trọng việc lập quy hoạch tạo quỹ đất; tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; xây dựng và tổ chức quảng bá chính sách thu hút đầu tư; đào tạo lao động... Nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao như cơ khí chính xác, linh kiện điện tử... đã được triển khai tại các khu công nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng về môi trường kinh doanh của tỉnh, là hình ảnh đẹp trong mắt các nhà đầu tư.
Vẫn còn khó khăn, thách thức cản trở thu hút đầu tư
Điều dễ nhận thấy là hạ tầng giao thông, điện, nước... đã được tỉnh đầu tư nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là hệ thống nước đến các khu công nghiệp, khu dân cư. Trong khi đó, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển lại cần vốn đầu tư lớn. Cơ sở hạ tầng còn yếu, không đồng bộ cũng phần nào ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư. Nhất là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Các vấn đề nhà ở công nhân, y tế trong các khu công nghiệp cũng chưa đáp ứng nhu cầu...
Tỉnh vẫn thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật có trình độ, tay nghề dù nguồn lao động lớn nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, giản đơn. Đây là sức ép rất lớn đối với nền kinh tế của tỉnh trong tạo việc làm cho người lao động và khả năng tích lũy tái đầu tư. Đó là chưa kể số di dân tự do vẫn rất đông, áp lực về giải quyết việc làm phù hợp không nhỏ.
Khi tái lập tỉnh, Bình Phước có điểm xuất phát nền kinh tế thấp. Cơ cấu kinh tế chủ yếu phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, lạc hậu, công nghiệp Bình Phước chỉ chiếm 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chưa có khu công nghiệp tập trung. So với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước còn kém một khoảng khá xa. Công nghệ chế biến sản xuất chủ yếu quy mô gia đình nhỏ và thiếu đồng bộ nên không tiết kiệm được lao động, nguyên vật liệu và hiệu quả mang lại không cao. Theo đó, năng lực quản lý cũng hạn chế và chưa được định hướng tốt từ các hiệp hội trong tỉnh.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, với nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, thu hút đầu tư của Bình Phước đã đạt được những kết quả nhất định. Từ đó góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Sự thành công này đã góp phần tạo tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người tăng qua mỗi năm và cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa vẫn là định hướng tiếp theo trong thu hút vốn đầu tư của tỉnh. Điều đó tác động không nhỏ quyết định phát triển kinh tế, từ đó tiềm năng, lợi thế của Bình Phước tiếp tục được phát huy và hứa hẹn những đột phá mới.
Hiện nay, tỉnh có 13 khu công nghiệp/4.686 ha. Trong đó, 8 khu công nghiệp với 97 doanh nghiệp đang hoạt động/diện tích 1.191 ha, thu hút 164 dự án (60 dự án trong nước và 104 dự án có vốn đầu tư nước ngoài). Tổng vốn đăng ký 3.344 tỷ đồng và 1,07 tỷ USD. Diện tích đất đã cho thuê 631 ha. Tạo việc làm cho 39.600 lao động, trong đó 560 người nước ngoài. Khu công nghiệp chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực chế biến gỗ, dệt nhuộm, may mặc, luyện cán thép, sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng ôtô, gia công cơ khí, linh kiện điện tử... Ngoài ra, toàn tỉnh có trên 4.200 doanh nghiệp, 30 cụm công nghiệp, tạo việc làm cho trên 142.000 lao động, góp phần quan trọng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. |
Ngọc Tú - Hữu Dụng