Từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức KCB BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật. Tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến KCB sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bổ sung một số quy định đảm bảo quyền lợi của người dân Đáng chú ý, Luật hiện hành quy định việc đăng ký cơ sở KCB BHYT ban đầu phải theo địa giới hành chính. Quy định này chưa tạo điều kiện để người dân khám chữa tại cơ sở ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh. Do đó, dự thảo đã bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Cụ thể, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xã huyện đảo, được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú khi đi KCB tại cơ sở khác nơi đăng ký ban đầu. Người bệnh được thanh toán 100% chi phí KCB theo tỷ lệ quy định và không phải làm thủ tục chuyển tuyến nếu mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục của Bộ Y tế. Cho ý kiến về quy định “thông cấp KCB” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, quỹ BHYT chi trả như khi đi KCB đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở KCB thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; KCB tại các cơ sở thuộc cấp KCB ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp KCB cơ bản trên toàn quốc và KCB tại cơ sở KCB chuyên sâu với lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống KCB, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp. Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật BHYT cũng đề xuất điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ BHYT từ 5% còn 4% để tăng chi trực tiếp cho KCB từ 90% lên 91% từ đầu năm, tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB, dự thảo quy định mở rộng tỷ lệ hưởng BHYT cho người tham gia BHYT khi khi tự đi KCB ngoại trú tại cơ sở khám bệnh cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 được phân tuyến tỉnh từ 0% lên 50% chi phí KCB ngoại trú, thực hiện từ 1/7/2026 để có thời gian chuẩn bị các điều kiện tăng cường năng lực cho tuyến dưới và chống quá tải ở tuyến trên. Nhưng qua đánh giá tác động, việc tăng tỷ lệ thanh toán có nguy cơ phát sinh khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hệ thống y tế cơ sở, gây quá tải ở tuyến trên, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ KCB, tăng chi phí từ Quỹ BHYT ước tính chưa đầy đủ là khoảng hơn 1.131 tỷ đồng mỗi năm. Chính phủ đã báo cáo, phân tích chi tiết ưu điểm và khó khăn, bất cập, thách thức có thể phát sinh để Quốc hội xem xét. |