Vì sao gia tăng số lượng hàng hóa tồn đọng Theo Tổng cục Hải quan, thống kê đến ngày 19/10/2018, hàng hóa là phế liệu nhập khẩu đang lưu giữ tại các cảng biển là khoảng 19.000 container và có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, số lượng container lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày là khoảng 8.000, doanh nghiệp (DN) vẫn đang tiếp tục đến làm thủ tục hải quan theo quy định. Số lượng container lưu giữ tại cảng từ 30 ngày đến 90 ngày là khoảng hơn 2.000; số lượng container tồn đọng trên 90 ngày là khoảng hơn 8.000 và có chiều hướng gia tăng. Qua theo dõi, nắm tình hình, cơ quan hải quan đã xác định được nguyên nhân chính dẫn đến hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Theo quy định của pháp luật, khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa là phế liệu thì DN phải xuất trình được Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực. Tuy nhiên, do DN không xuất trình được giấy xác nhận hoặc giấy xác nhận hết hiệu lực nhưng DN vẫn ký hợp đồng mua phế liệu để nhập về Việt Nam nên dẫn đến phế liệu không đủ điều kiện làm thủ tục hải quan. Sau đó, DN từ chối nhận hàng dẫn đến phát sinh lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng biển. Một nguyên nhân nữa là: Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định. Nhưng trên thực tế, tại thời điểm DN nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg) nên đối với các loại phế liệu chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thì cơ quan hải quan không có cơ sở giải quyết thủ tục hải quan. Đây cũng là vướng mắc dẫn đến gia tăng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng, không thể thông quan. Kiên quyết buộc tái xuất Cũng theo Tổng cục Hải quan, để khắc phục tình trạng tồn đọng phế liệu, ngành Hải quan đang tích cực thực hiện chỉ đạo tại Chỉ thị 27. Cụ thể là, Tổng cục Hải quan đã và đang trao đổi với cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường về vướng mắc liên quan đến việc cập nhật Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường, trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và một số vướng mắc tại Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT (có hiệu lực từ 28/10/2018). Bộ Tài chính cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nêu quan điểm: Phế liệu là mặt hàng có nguy cơ cao về gây ô nhiễm môi trường, nhiều lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu hoặc thuộc diện cấm nhập khẩu, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe nhân dân. Do vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ là cần có sự kiểm kê, phân loại và kiểm soát chặt chẽ đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng, xác định chủ sở hữu, người vận chuyển và buộc tái xuất đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu. Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thông báo và yêu cầu các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa là chất thải, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định. Trường hợp các hãng tàu không thực hiện theo quy định thì đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét áp dụng biện pháp không cho phép hãng tàu đó được khai thác kinh doanh tại Việt Nam cho đến khi vận chuyển toàn bộ hàng hóa nêu trên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định./. Ngọc Linh |