Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh giới thiệu sản phẩm đặc trưng tại Hội nghị “Gặp gỡ kết nối giao thương giữa Siêu thị Tứ Sơn, tỉnh An Giang, với doanh nghiệp Cà Mau”.
Kết nối giao thương là một trong những nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp (DN) nói chung và cơ sở sản xuất nói riêng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Bởi nó không những giải quyết được vấn đề đầu ra cho nông sản đang gặp khó mà còn hướng đến phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
5 năm thực hiện chương trình hợp tác thương mại, bình ổn thị trường và nhất là chương trình kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Ðông - Tây Nam Bộ, với vai trò là cầu nối, Sở Công thương đã tạo sự gắn kết hiệu quả. Nhiều hàng hoá với số lượng lớn được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, các cửa hàng hiện đại, các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh, mở ra cho các DN địa phương cơ hội, tăng cường sản xuất, đưa những sản phẩm hàng hoá đặc trưng vùng miền đi khắp mọi miền đất nước.
Mở rộng ký kết giao thương
Sở Công thương Cà Mau vừa gặp gỡ DN Tứ Sơn, tỉnh An Giang. Ðây được xem là sự kiện quan trọng đối với các DN cũng như cơ sở sản xuất trong tỉnh để giới thiệu hàng hoá đến siêu thị ngoài tỉnh, giải quyết bài toán cung - cầu đang bức bách hiện nay.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh giới thiệu sản phẩm đặc trưng tại Hội nghị “Gặp gỡ kết nối giao thương giữa Siêu thị Tứ Sơn, tỉnh An Giang, với doanh nghiệp Cà Mau”.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Lưu Văn Quốc chia sẻ: “Thật ra, Cà Mau có rất nhiều sản phẩm đặc trưng được cả nước biết đến, có sức hấp dẫn người tiêu dùng nhưng sự kết nối còn yếu, chưa thật sự đủ mạnh để đưa các sản phẩm vươn xa. Dịp này cũng là cơ hội để DN Tứ Sơn chọn nhiều sản phẩm, thương thảo và ký kết hợp đồng với các DN Cà Mau và cũng là điều kiện tốt cho DN Cà Mau có thêm thị trường tiêu thụ, góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế địa phương”.
Với 27 sản phẩm của 18 DN, cơ sở sản xuất, chế biến được trưng bày, giới thiệu, trong đó nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể như: Cá khô bổi U Minh, Tôm khô Rạch Gốc, Mật ong U Minh Hạ, Cua biển Năm Căn, Mắm lóc Thới Bình… đã thật sự thu hút người tham quan, cũng như DN Tứ Sơn.
Giám đốc DN Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “Tôi đánh giá cao các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau. Ðây là dòng sản phẩm mà siêu thị đang cần. Mặc dù các sản phẩm không bắt mắt lắm về mẫu mã nhưng mang nét đặc thù riêng vùng sông nước Cà Mau. Siêu thị Tứ Sơn là siêu thị cửa ngõ biên giới nên khả năng quảng bá sản phẩm rất lớn. Hy vọng sự kết nối lần này không chỉ cung ứng hàng hoá cho siêu thị chúng tôi mà còn mở ra kênh quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Cà Mau”.
Cần nâng cao chất lượng nông sản
Ðã qua các cơ sở sản xuất, DN Cà Mau luôn nằm trong tình trạng “khát” đầu ra cho nông sản. Sản phẩm người dân làm ra chỉ quanh quẩn trong địa phương với thị trường tiêu thụ bấp bênh. Ông Tư Hùng, chủ cơ sở sản xuất cá khô bổi - 1 trong 11 sản phẩm được ký kết lần này, bộc bạch: "Thương hiệu Khô bổi U Minh đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận gần 4 năm nay nhưng hiện còn rất ít người biết đến và thị trường tiêu thụ cũng hạn hẹp. Tôi mong sự kết nối này sẽ đưa thương hiệu Khô bổi U Minh không ngừng lớn mạnh và mở rộng để hàng nông sản của chúng tôi được tiêu thụ nhanh hơn”.
Hầu hết các DN, cơ sở sản xuất đều thể hiện sự phấn khởi, vui mừng trước sự kiện này, bởi các DN ở Cà Mau chủ yếu là DN vừa và nhỏ, khả năng quảng bá thương hiệu cũng như sự cạnh tranh chưa đủ mạnh. Ông Huỳnh Văn Hận, Chủ nhiệm HTX cá chình, cá bống tượng Tân Thành, TP Cà Mau, bộc bạch: “Ðịa phương đã có truyền thống lâu đời về nghề nuôi cá chình, cá bống tượng nhưng giá cả hiện bấp bênh so với trước rất nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong đây sẽ là cầu nối để có thể giúp chúng tôi tiêu thụ hàng nội địa bền vững hơn”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Son, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao khoa học công nghệ - Trường Ðại học Cần Thơ, cũng hứa hẹn, trung tâm sẽ hỗ trợ hết mình trong việc tạo ra các nhãn mác đẹp, có tính kích cầu cao, đồng thời sẽ cung cấp công nghệ bảo quản các sản phẩm của các DN, cơ sở sản xuất của địa phương với các dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ khi cần thiết. Ðặc biệt, trung tâm còn kết hợp Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh xây dựng 3 câu lạc bộ đặc sản tại các tỉnh Trà Vinh, An Giang và Ðồng Tháp. Hy vọng, với sản phẩm đa dạng của Cà Mau có thể hình thành nên câu lạc bộ đặc sản Cà Mau, để tạo nhiều cơ hội cho đặc sản Cà Mau vươn xa hơn.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Ðô, bước đầu Siêu thị Tứ Sơn đã ký kết 11 sản phẩm của 7 DN. Ðây có thể nói là thành công, là tín hiệu đáng mừng, còn lại các DN chưa được ký kết, Sở Công thương sẽ tiếp tục làm cầu nối để giúp các DN mở rộng thị trường. Chất lượng hàng hoá Cà Mau tuy được các tỉnh, thành đánh giá khá cao nhưng mẫu mã chưa thật sự bắt mắt. Vì vậy, muốn mở rộng thị trường, mở hướng ra cho nông sản địa phương, các DN, cơ sở sản xuất cần chú trọng hơn nữa chất lượng hàng hoá, mẫu mã và giá cả sản phẩm./.