Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 27,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1%; nhập khẩu ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5%; xuất siêu gần 3,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Về xuất khẩu, 5 tháng qua, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt gần 7,4 tỷ USD; chăn nuôi ước đạt 210 triệu USD; thủy sản ước đạt 2,8 tỷ USD; lâm sản chính đạt 4,2 tỷ USD. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng là cà phê, gạo, rau, sắn, quế, mây tre,.. Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác như cao su, chè, hồ tiêu, cá tra… lại có giá trị xuất khẩu theo chiều ngược lại. Cụ thể, xuất khẩu cao su đạt 464 triệu USD (giảm 30,4%); chè đạt 71 triệu USD (giảm 11,3%); hồ tiêu đạt 307 triệu USD (giảm 18,5%)... Đáng chú ý, về thị trường xuất khẩu, tính chung 5 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 23,8% thị phần. Tiếp đến là Mỹ ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 22% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,1% và chiếm 10,5% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 3,5%, chiếm gần 9,0% thị phần; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 5,5% và chiếm 10,38% thị phần. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT xác định phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Mỹ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập xê út... |