游客发表
发帖时间:2025-01-25 14:45:30
Năm 2018, dù ẩn số vẫn còn ở phía trước, nhưng với các dự báo, mục tiêu về biến số vĩ mô, quy mô hàng hóa thị trường,… chỉ số sẽ tiếp tục “chinh phục” những đỉnh mới và đi kèm với đó là sự tăng trưởng về cả khối lượng và giá trị dòng tiền.
Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường năm 2018
Mặc dù vẫn còn khoảng hơn 10 phiên giao dịch nữa, nhưng về cơ bản, TTCK năm 2017 được đánh giá là năm thành công. Chỉ số VN-Index vượt đỉnh 9 năm đi kèm với khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch ở mức kỷ lục. Tất cả các nhóm ngành đều ghi nhận sự tăng trưởng trong đó dấu ấn lớn nhất là cổ phiếu đầu ngành. Hệ số giá/thu nhập (P/E) toàn thị trường được nâng lên mức cao. Khối ngoại giải ngân mạnh trên thị trường đặc biệt khi xét tới sự tăng trưởng danh mục đầu tư gián tiếp của khối này.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2018 dự báo bối cảnh kinh tế vĩ mô sẽ ổn định và có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Kèm theo đó, VCBS cũng đánh giá cao thông điệp và điều hành của Chính phủ về tỷ giá, lạm phát và lãi suất nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Điều này đảm bảo mặt bằng kinh tế vĩ mô ổn định, trở thành bàn đạp hỗ trợ xu hướng tăng chung của thị trường.
Công ty này cho biết thêm, năm 2018, bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, tương đồng với năm 2017 và có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường như: Dòng tiền đầu tư vào Việt Nam ở mức cao, tính trên cả phương diện trực tiếp và gián tiếp vào thị trường cổ phiếu; định hướng chính sách nới lỏng một cách thận trọng; lãi suất ổn định và duy trì ở mức thấp hợp lý. Do đó, quy mô thị trường tăng cả về lượng và chất.
Cùng với đó, các thương vụ mua bán sáp nhập có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2018. Đồng thời, năm 2018 thị trường kỳ vọng nhiều hơn vào quá trình thoái vốn nhà nước, trong đó, bao gồm các thương vụ thoái vốn lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như: Petrolimex, Vinatex, VnSteel, ACV, Lilama, Vigracera,…
Tính tới thời điểm cuối tháng 11, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Mặc dù vậy, VCBS lưu ý chủ trương IPO các doanh nghiệp nhà nước sẽ được tiếp tục trong năm 2018, với một số doanh nghiệp đáng chú ý như: Genco 1&2, VTC, Handico, SGCC, SATRA, Tổng công ty Bến Thành, SJC, Resco, Sawaco, Samco,…
Ngoài ra, công ty này còn cho rằng, làn sóng IPO và niêm yết mới của nhiều ngân hàng trong đó có nhiều doanh nghiệp được nhà đầu tư săn đón như Techcombank, HD Bank hay OCB cũng sẽ tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho thị trường trong năm 2018.
Chính vì vậy, VCBS dự đoán, VN-Index trong năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dòng tiền vẫn được duy trì trên thị trường. Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2018 sẽ tăng khoảng 20% so với con số trung bình cuối năm 2017. Giá trị giao dịch kỳ vọng mức tăng khoảng 25%. Kèm theo đó, các phiên giao dịch với giá trị hoặc khối lượng giao dịch đột biến có thể xuất hiện nhiều hơn.
Ngành nào “hot” trong năm tới?
Theo nhận định của BSC, các ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng trong năm 2018 là ngân hàng, bất động sản, xây dựng, thép, hàng không, hàng tiêu dùng và bán lẻ. Bên cạnh đó, ngành dầu khí, hóa chất và một số nhóm ngành vật liệu xây dựng (ngoài thép) cũng rất đáng quan tâm. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn của Nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết mới cũng là tâm điểm thu hút dòng tiền trong năm 2018.
Theo phân tích của công ty này, ngành ngân hàng tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong năm 2018 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt, kết quả kinh doanh các ngân hàng tăng trưởng bền vững hơn do tập trung vào tăng tín dụng bán lẻ và những chính sách hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngành. Cùng với đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng phát triển ổn định trong năm 2018 trên cơ sở là nền kinh tế trong nước tăng trưởng ổn định, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khi hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại và được đầu tư mở rộng.
Với ngành xây dựng, trong năm 2018 vẫn tiếp tục khả quan do tỷ trọng và tăng trưởng đầu tư của tư nhân ngày càng cao, trong khi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ được Chính phủ thúc đẩy đầu tư trong những năm tới. Cùng với đó, ngành thép cũng có nhiều cơ hội nối tiếp chu kỳ tăng trưởng khi được hỗ trợ từ các yếu tố bao gồm: Nhu cầu tăng từ thị trường xây dựng, sự phục hồi của đầu tư công, cùng với chính sách thuế bảo hộ.
Cũng theo nhận định của VBSC, ngành hàng không vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2018 và trong chu kỳ dài hạn dựa vào nhiều yếu tố tích cực như: Thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, tăng trưởng hoạt động đầu tư FDI, kế hoạch nâng công suất khai thác của nhiều Cảng hàng không và kế hoạch tăng trưởng đội bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Ngoài ra, ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ cũng sẽ duy trì triển vọng lạc quan, nhờ các yếu tố: Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng và tổng chi tiêu của hộ gia đình được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 11,4%/năm đến năm 2021; đô thị hóa nhanh và mật độ bán lẻ tại các thành phố còn khá thấp so với các nước trong khu vực; và tăng trưởng tín dụng tiêu dùng sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của ngành.
Chu Thái
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接