(CMO) Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội cho nữ giới tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền, vận động, thông qua tuyên truyền miệng, các buổi sinh hoạt, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn nghệ nhằm vận động hội viên, phụ nữ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nét nổi bật của các cấp hội phụ nữ là tạo điều kiện để cán bộ, hội viên phát huy vai trò và năng lực của mình, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật về bình đẳng giới, tham gia các tổ hoà giải ở cơ sở nhằm giải quyết các tranh chấp do mâu thuẫn vợ chồng, bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tặng hoa cho chị em phụ nữ tại diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vì quê hương Cà Mau giàu đẹp”.
Hội phụ nữ các cấp tổ chức các diễn đàn như: hội thi, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Toàn tỉnh hiện có 248 câu lạc bộ “ông bố, bà mẹ nuôi dạy con tốt”; “không có chồng, con và người thân tham gia tệ nạn xã hội”; “phụ nữ giữ gìn an ninh trật tự”... Thông qua hoạt động câu lạc bộ, các cấp hội đã tổ chức nhiều diễn đàn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hội cấp trên, đặc biệt là tìm hiểu chính sách về bình đẳng giới, qua đó thu hút trên 16.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Đào Hồng Quyết, nhận thức về giới, bình đẳng giới và sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa đầy đủ; định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong Nhân dân, đặc biệt trong một bộ phận cán bộ, công chức. Quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn, tư tưởng coi nam giới là “trụ cột”, còn phụ nữ luôn gắn với vai trò nội trợ, chăm sóc gia đình đã gây ra cách nhìn lệch lạc về vai trò của mỗi giới, dẫn đến hiện tượng sinh con thứ ba tăng; thiếu sự chia sẻ trách nhiệm giữa nam giới và phụ nữ trong công việc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội, vẫn còn tình trạng phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, các hoạt động, triển khai, phổ biến kiến thức bình đẳng giới còn mang tính hình thức. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa quan tâm tham gia bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới mà thường khoán cho cán bộ tham mưu. Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Ý nhận định, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn ít, chưa đạt theo cơ cấu quy định. Việc lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở một số địa phương, đơn vị chưa rõ nét.
Như vậy, việc xây dựng xã hội có bình đẳng giới, bảo đảm bình đẳng giới là lời kêu gọi không chỉ của riêng nữ giới, mà của mọi người. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Ý, cần tăng cường chăm bồi phát triển đảng viên nữ. Đồng thời, mạnh dạn giao việc, có kế hoạch phân công công tác nhằm tạo điều kiện để đảng viên nữ được rèn luyện, có cơ hội thể hiện khả năng và để lựa chọn, đào tạo, tạo nguồn cán bộ nữ.
Về phía cá nhân người phụ nữ, trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới, nỗ lực nâng cao tri thức, văn hoá, có ý thức cầu tiến, làm chủ cuộc sống, có kỹ năng sống, biết đối mặt với áp lực, biết chăm sóc bản thân… để có thể nắm bắt cơ hội, cùng với xã hội, hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới.
Người phụ nữ trong thời kỳ mới nếu được hỗ trợ tích cực từ phía khách quan, cùng với những nỗ lực tự thân sẽ tự tin, tự chủ, tạo vị thế cho bản thân và có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng xã hội
Thanh Phương
Theo bà Trương Linh Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ: Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, có cơ chế hỗ trợ cán bộ nữ được cử đi đào tạo nhằm động viên, khích lệ phụ nữ tích cực tham gia hoạt động vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, việc làm, văn hoá - xã hội. Qua đó, góp phần xoá bỏ tâm lý e ngại, tự ti, an phận, tạo điều kiện cho phụ nữ phấn đấu vươn lên và phát triển toàn diện.