(CMO) Không đất sản xuất, sau nhiều năm đi làm ăn ở nhiều nơi, gần 10 năm nay, gia đình ông Đinh Hải Khanh đến ấp Bình Minh II, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đầu tư máy móc làm nghề sản xuất chỉ xơ dừa. “Nhờ xơ dừa mà cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Tôi vừa sử dụng máy móc, vừa làm thủ công, như đánh vỏ dừa khô thành sợi, phơi chỉ dừa cho khô", ông Khanh trải lòng.
Chỉ xơ dừa làm ra được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định 2.800 đồng/kg, có lúc lên 3.000-4.000 đồng/kg. Mỗi tháng hộ ông Khanh sản xuất không dưới 5 tấn xơ dừa. Sau khi trừ hết các khoản chi phí tiền thuê nhân công, thuê xe vận chuyển sản phẩm, mỗi tháng ông còn lời không dưới 8 triệu đồng. Riêng thu nhập từ phân dừa khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Ông Đinh Hải Khanh có cuộc sống ổn định từ nghề sản xuất xơ dừa gần 10 năm nay. |
Nghề này không chỉ giúp gia đình ông Khanh có thu nhập ổn định, mà còn tạo việc làm cho 2-3 lao động ở địa phương. Mỗi lao động tuỳ theo công việc được ông Khanh trả công từ 100.000-120.000 đồng/ngày. Vì phần lớn các công đoạn sản xuất bằng máy nên ông Khanh thuê nhân công chủ yếu phơi chỉ dừa. Phơi chỉ dừa là công việc nhẹ, nhưng phải chịu khó vì ở ngoài nắng suốt ngày, cực nhất là những tháng mưa phải canh gom và phơi cho chỉ khô.
Ông Khanh chia sẻ: “Nghề này được cái là giá công ty thu mua luôn ổn định. Tuy nhiên, hiện tại ở đây vỏ dừa ít nên việc thu mua nguyên liệu gặp khó khăn, có khi cả ngày thu mua không được 1.000 vỏ dừa. Nếu đủ vỏ, 1 ngày tôi sản xuất khoảng 1 tấn chỉ dừa. Nghề này còn phụ thuộc vào thời tiết, tháng mưa vất vả lắm. Bù lại là nguồn thu nhập từ phân dừa. Một bao phân dừa giá sỉ 18.000 đồng, còn bán lẻ 25.000 đồng. Phân dừa dùng để bón cho cây trồng, hoa kiểng rất tốt, còn chỉ dừa để xuất khẩu”.
Cũng như hộ ông Khanh, ông Nguyễn Văn Khoẻ ở ấp Bình Minh I đầu tư máy làm nghề sản xuất chỉ xơ dừa được hơn 3 tháng nay. Ông Khoẻ cho biết: “Tôi mới bắt đầu làm nghề này nhưng thấy thu nhập khá. Khoảng 3 tiếng đồng hồ được 1 mẻ chỉ xơ dừa, mỗi mẻ 5.000 vỏ dừa khô, 1.000 vỏ dừa khô được hơn 100 kg chỉ xơ dừa. Vì ở đây tôi vừa sản xuất chỉ xơ dừa, vừa làm vựa chuối nên thường có từ 6-20 nhân công, mỗi tháng chi trả trung bình 4,8 triệu đồng/người”.
Khi nghề sản xuất chỉ xơ dừa ra đời, giá trị kinh tế của cây dừa được nâng lên. Trước đây, vỏ dừa khô được coi là phế phẩm, nhiều người dùng để san lấp các ao, đìa hoặc làm chất đốt. Hiện tại, vỏ dừa khô được các hộ sản xuất chỉ xơ dừa ở Trần Hợi thu mua với giá dao động từ 250.000-300.000 đồng/1.000 vỏ.
Ông Khanh tâm tình: “Nếu có vốn nhiều hơn nữa tôi sẽ xây dựng nhà kho và mua máy móc hiện đại hơn để mở rộng quy mô sản xuất”.
Tuy còn sản xuất nhỏ lẻ, nhưng nghề sản xuất chỉ xơ dừa là một trong những nghề có thu nhập ổn định và tạo được việc làm cho lao động nông thôn. Nếu được đầu tư đúng mức, nghề này sẽ phát huy thế mạnh và mở ra cơ hội cho người dân cũng như các cơ sở sản xuất./.
Anh Thư