Lại nóng chuyện kinh doanh xăng dầu: Một số đại lý kêu lỗ phải bán nhỏ giọt TP. Hồ Chí Minh: Rút giấy phép nếu phát hiện cửa hàng xăng dầu găm hàng chờ tăng giá Nhiều cửa hàng xăng dầu mở cửa trở lại sau khi giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít Kiểm tra đột xuất phát hiện cây xăng có hàng nhưng không mở bán Rút giấy phép nếu phát hiện găm hàng để trục lợi trong kinh doanh xăng dầu |
Lực lượng liên ngành quản lý thị trường kiểm tra một cây xăng treo biển “hết xăng” tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh ngày 20-2. Ảnh: CTV |
Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày đầu ra quân, kiểm tra thực tế tại một số điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, ghi nhận việc cung ứng xăng dầu cơ bản ổn định. Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện một số cửa hàng treo biển “hết xăng”, có nơi ghi “hết xăng, còn dầu”.
Theo ông Ba, tình trạng một số cây xăng treo biển hết hàng cục bộ không phản ánh tình trạng thiếu xăng, mà do các cây xăng này chưa kịp nhập hàng về.
Hiện đơn vị tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu tại các điểm bán nhằm góp phần ổn định thị trường, đảm bảo nguồn cung xăng dầu; đồng thời, sẽ xử lý nghiêm những điểm kinh doanh vi phạm, gây nhiễu loạn thị trường.
Trước đó, trong buổi họp báo ngày 17/2, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh thông tin, từ đầu tháng 2 đến nay, sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh, thành phố chỉ có 5 cửa hàng/548 cửa hàng đôi lúc thiếu xăng, có lúc thiếu dầu, không phải đóng cửa (chiếm tỷ lệ chưa đến 1% và xảy ra cục bộ ở một số nơi).
Nguyên nhân là mức chiết khấu hiện nay của một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn chỉ ở mức 80 - 200 đồng/lít, thậm chí có tình trạng cửa hàng không được chiết khấu. Do đó, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ.
Theo kế hoạch đã công bố, từ đầu tuần này, đoàn thanh tra của Bộ Công thương kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, dự kiến kéo dài khoảng 15 - 20 ngày, tập trung vào các địa bàn nóng như TP. Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do tại đây thời gian qua xuất hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ, tạm ngưng hoạt động... gây những dấu hiệu gây bất ổn cho thị trường xăng dầu.
Thanh tra Bộ Công thương cũng cho biết, đợt thanh tra, kiểm tra còn tập trung làm rõ hoạt động cấp phép kinh doanh xăng dầu, các tài liệu liên quan như giấy phép kinh doanh, giấy xác nhận của Bộ Công thương cho các đơn vị đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu. Thời gian qua, do việc cấp phép được cho là tràn lan, nên đã xuất hiện nhiều trường hợp kinh doanh vi phạm pháp luật, buôn bán xăng dầu giả, buôn bán hóa đơn…
Cũng theo Thanh tra Bộ Công thương, hoạt động kiểm tra, vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước. Đối với các cơ sở kinh doanh, nếu từ 6 tháng trở lên kể từ thời điểm kiểm tra trong tháng 2 mà không nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, rút giấy phép. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tổ chức kiểm tra với tần suất dày (1 - 2 ngày/lần) để kịp thời phát hiện, xử lý những đại lý, cửa hàng xăng dầu sai phạm./.