“Bên cái bàn trước hàng ba,ơnhẳnmấxem lại trận bà Lan cùng mấy người bạn quanh xóm ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy ngồi bàn “chuyện lớn”.
Bà Lan hỏi: “Đố mấy chị biết vì sao thường xét thoát nghèo cuối năm?”, một vài người liền nói: “Xét cuối năm là đúng quá rồi, để ăn tết rồi ăn mừng luôn”... Rồi cả bàn cười rôm rả, đúng là niềm vui thoát nghèo cũng vui như tết”.
Ông Liêm (phải) vui mừng khi thoát được cảnh nghèo.
Tết trọn niềm vui
Nói tiếp chuyện giảm nghèo, bà Lê Thị Lan chia sẻ: “Mừng lắm, tết này cũng trọn vẹn niềm vui”. Vốn là hộ nghèo nhiều năm của xã, gia đình bà Lan rất chí thú làm ăn, chỉ mong sớm thoát khỏi cảnh nghèo. Vì vậy, cả nhà chẳng quản ngại nắng mưa, cực nhọc làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Niềm mong ước ấy đã thành sự thật khi cuối năm 2017, qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo của địa phương, gia đình đã chính thức gạt tên mình ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nhìn vẻ mặt rạng ngời của bà, chúng tôi cũng hiểu được niềm vui sướng của cả gia đình, khi kinh tế đã ổn định và có bước phát triển. Bé Trần Bảo Ngân (5 tuổi), cháu nội của bà Lan khoe: “Cô ơi, năm nay nhà con mua nhiều đồ ăn tết lắm. Nào là bánh mứt, thịt, trái cây, rồi còn mấy chậu hoa vạn thọ nữa. Bà nội cũng sắm quần áo mới, để con đi chơi tết với mấy bạn, con mừng lắm”. Nhìn đứa cháu nội hồ hởi khoe, bà Lan cười rồi nói: “Tội nghiệp, mấy năm trước nghèo quá, tết nhứt có mua sắm hay sắm sửa quần áo cho mấy đứa nhỏ đâu. Nay được quần áo mới, tụi nhỏ mừng lắm, nhất là con Ngân gặp ai cũng khoe hết”.
Sự vui mừng của đứa trẻ đã nói lên sự sung túc của gia đình, sau bao năm chí thú làm ăn, giờ đã có kết quả như mong muốn. Theo lời bà Lan, gia đình bà nhận sổ hộ nghèo đã 5 năm nay. Từ ngày rơi vào hộ nghèo, vợ chồng, con cái trong gia đình đều tích cực lao động. Đặc biệt, có những năm vì cuộc sống chốn làng quê quá khó khăn, công việc làm thuê làm mướn không có nên ông bà phải “bôn ba cầu thực”, đi làm thuê ở tận tỉnh Bình Dương. Những lúc xa nhà, nỗi nhớ quê lại trỗi lên trong lòng ông bà da diết, song vì hoàn cảnh nên cố gắng mà làm. Rồi những người con lớn lên, đủ tuổi lao động, họ xin vào làm ở các công ty, xí nghiệp, nhờ đó, kinh tế gia đình dần được cải thiện. Khuôn mặt rạng rỡ, bà Lan nói tiếp: “Hai đứa con trai đi làm cũng gửi về cho vợ chồng tôi mỗi tháng 5-6 triệu đồng, tôi chi tiêu tiết kiệm cũng dư được chút đỉnh. Tết năm nay, gia đình ăn tết cũng khá hơn. Vui hơn nữa khi giờ đây gia đình đã mua 2 con bò về nuôi, từ nguồn vốn vay Nhà nước. Sang năm mới, tôi hy vọng số bò này sẽ giúp gia đình thoát nghèo bền vững”.
Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất, vợ chồng bà Lan cũng chuẩn bị nhà cửa tươm tất và một số bánh mứt để đãi mọi người. Ông Trần Văn Hải, chồng bà Lan, cho biết: “Đúng là “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, phải ăn tết ngon lành hơn mọi năm, mong sao qua năm mới làm ăn thuận lợi, mọi người ai cũng no đủ, sung túc”.
Gia đình bà Lan chỉ là một trong số hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ nghèo đã có thêm điều kiện để đầu tư vào mô hình sản xuất, chăn nuôi.
Trong năm 2017, toàn tỉnh có 4.337 hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng số tiền trên 81,4 tỉ đồng. Trong quá trình người dân thực hiện mô hình làm ăn, các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và các tổ vay vốn thường xuyên đến kiểm tra, hỗ trợ, giúp mọi người sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát được cảnh nghèo và tích lũy vốn.
Hết nghèo, mừng xuân sung túc
Rời nhà bà Lan, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Thanh Liêm, ở ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Trên con đường dẫn vào nhà ông Liêm, chúng tôi cảm nhận được “Nàng xuân” đang đến thật gần. Các em nhỏ xúng xính trong bộ quần áo mới, các cụ già quây quần trò chuyện cùng nhau, một vài cô bác đang gói bánh tét để cúng ông bà trong mấy ngày tết.
Vợ chồng ông Hải hy vọng mô hình nuôi bò giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn.
Đặt chân đến sân nhà, chúng tôi thấy ông Liêm đang cặm cụi cắt cỏ phía sau nhà, thoáng thấy chúng tôi, ông ngừng công việc, chạy vào hồ hởi: “Vào nhà, vào nhà đi, ở ngoài này gió lạnh lắm. Tết tới rồi, tôi đi cắt ít cỏ với vớt lục bình để sẵn, làm thức ăn cho mấy con dê trong vài ngày. Nhờ có nó mà năm nay tôi đỡ hết sức, ráng mà “bồi dưỡng” cho nó”.
Vào trong nhà, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự sung túc của gia đình. Căn nhà được quét dọn, bài trí sạch đẹp, các vật dụng trong gia đình khá đầy đủ, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trên bàn đĩa bánh mứt được bày sẵn, kế bên là bình hoa mai được cắm cẩn thận. Rót ly trà nóng mời khách, ông Liêm chia sẻ: “Năm nay hết nghèo rồi, ăn tết cũng khá. Mấy năm trước đi làm suốt, có thời gian đâu mà trang hoàng nhà cửa”. Nói đến đây, như nhớ về những ngày tháng vất vả khi xưa...
Hồi đó nhà nghèo, không có ruộng vườn, để lo cái ăn cái mặc, hàng ngày ông phải đi làm thuê, làm mướn. Khi đi tưới cây, lúc trồng cam cho người ta, cũng lao động vất vả, tính toán đủ đường nhưng cái nghèo sao đeo miết. Khi thấy người quen nuôi dê cho thu nhập khá, ông mạnh dạn vay 12 triệu đồng mua 3 con dê giống về nuôi. Sau 6 tháng thả nuôi, dê sinh sản được 2 chú dê con. Qua vài tháng chăm sóc, ông Liêm xuất bán, 2 dê con cũng mang về cho ông 5 triệu đồng. “Mấy con dê là niềm vui, tài sản lớn nhất của gia đình tôi đó. Dê rất dễ nuôi, nhanh lớn. Chúng ăn cỏ, ăn lục bình, tôi không phải tốn thức ăn, nó cũng ít bệnh hơn những giống vật nuôi khác”, ông Liêm cho biết.
Để tiếp thêm nguồn vốn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình 7 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo (sau 2 năm sẽ hoàn vốn), để phát triển kinh tế. Từ số vốn nhận được, ông Liêm liền mua 50 con vịt siêu ngỗng và vịt xiêm về nuôi, ngoài ra còn nuôi 1.500 con cá tra, quyết tâm thoát nghèo. Bầy vịt, ao cá, mấy con dê được ông chăm chút, rồi con cái đi làm. Đất cũng không phụ lòng người, giờ đây, kinh tế gia đình đã được cải thiện và có hướng phát triển. “Mỗi thứ tôi dành dụm một chút, thấy vậy mà cuộc sống dễ thở hơn nhiều, thoát được cái nghèo thì không có niềm vui nào vui cho bằng”, ông Liêm nói thêm.
Đến thăm các gia đình mới thoát nghèo, chúng tôi cảm nhận được cách nghĩ, cách làm của họ đã thay đổi theo hướng tích cực. Năm 2004, tỉnh Hậu Giang được thành lập, tỷ lệ hộ nghèo gần 24%, sau 14 năm nỗ lực, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn xấp xỉ 10%, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Để thực hiện đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, tỉnh còn chú trọng thực hiện các mô hình giảm nghèo, nhất là “trao cần câu”, để hộ nghèo tự vươn lên ổn định cuộc sống, nhất là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như huyện Phụng Hiệp. Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nếu như đầu năm toàn huyện có 8.667 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,75%, đến cuối năm giảm còn 7.347 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,86%, giảm 2,89% so với đầu năm. Có thể nói từ phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo nên những thành quả đó”…
Hàng nghìn hộ dân giảm nghèo, vươn lên là hàng nghìn những câu chuyện của nghị lực, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng ý thức tự vươn lên của người dân, mùa xuân mới này sẽ mang nhiều niềm vui, niềm hy vọng mới và đặc biệt là nhiều kết quả nổi bật trên “Mặt trận xóa đói giảm nghèo”
Qua kết quả sơ bộ điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 12,48% xuống còn 9,89%, biên độ giảm trong năm là 2,59%, đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 là trên 2%. |
BÍCH CHÂU