Xác định địa bàn, đối tượng Đánh giá phương thức hoạt động của các đối tượng buôn lậu trên tuyến đường biển hiện nay, Phó Hải đội trưởng Hải đội 1 Ngô Thanh Tuấn cho biết, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng các kẽ hở của chính sách quản lí Nhà nước để buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là chính sách đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất. Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, manh động hơn. Khi bị phát hiện, truy đuổi, một mặt, chúng sử dụng xuồng cao tốc để ngăn cản lực lượng chức năng, mặt khác chúng kêu gọi lực lượng đông đảo, chống đối và tìm mọi cách phi tang tang vật ngay tại hiện trường. Các đối tượng đã lợi dụng đặc điểm của tuyến biên giới Việt-Trung có vùng biển rộng, nhiều đảo, bán đảo nhỏ nằm liền kề, sát đất liền để thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài các mặt hàng vi phạm thông thường, thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp với quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ. Từ các vụ việc đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ cho thấy, ngoài các đối tượng buôn lậu là người Việt Nam, còn có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài (Trung Quốc). Vì vậy, đã gây không ít khó khăn cho công tác chống buôn lậu. Bên cạnh những thủ đoạn trên, các đối tượng còn lợi dụng lúc đêm tối, thời tiết xấu, biển động, gió cấp 7, cấp 8 để đưa hàng lậu vào nội địa tiêu thụ. Thuyền trưởng tàu HQ46 Cao Văn Phúc cho biết, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng tàu có trọng tải nhỏ từ 70 đến 140 tấn, lợi dụng thời tiết xấu, địa hình phức tạp, nhiều luồng lạch, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Hoặc bằng hình thức sử dụng tàu trọng tải lớn hơn, trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải hiện đại, đội ngũ thủy thủ có kinh nghiệm sông nước, thông thạo luồng lạch, di chuyển ra vùng biển giáp ranh, vòng tránh các chốt, trạm của lực lượng chống buôn lậu. Hoặc sử dụng hệ thống thông tin liên lạc hiện đại hòng làm sai lệch việc xác định tọa độ của lực lượng chức năng. Để “hóa giải” những thủ đoạn trên, cán bộ Hải quan thuộc Hải đội 1 đã tập trung vào xác định địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để buôn lậu; thường xuyên cử cán bộ có kinh nghiệm làm nhiệm vụ trinh sát ngoại tuyến, theo dõi mọi di biến động của các đối tượng, từ đó lập kế hoạch, lên phương án đấu tranh chặt chẽ, hiệu quả. Lập chiến công Trong cái giá lạnh của những ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tham gia chuyên án bắt giữ một vụ vận chuyển dầu trái phép của Hải đội 1. Chỉ hơn một giờ đồng hồ vật lộn sóng biển trên quãng đường vài trăm hải lý, chúng tôi đã thấy phần nào sự vất vả của cán bộ làm công tác chống buôn lậu nơi đây. Mới thấm hết sự vất vả của các anh “lính thủy” trong “cuộc chiến” chống buôn lậu trên biển. Ngoài việc phải thuộc lòng những mánh khóe phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, mỗi CBCC còn có sự dạn dày sóng gió, kinh nghiệm sống trên biển dài ngày. Thời khắc quyết định của chuyên án đã đến, tổ trinh sát nhận nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển phát hiện phía trước xuất hiện 2 tàu chở hàng (đi ngược chiều) có nhiều biểu hiện nghi vấn. Nhận thấy có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, lập tức bọn chúng bẻ lái đưa tàu chạy theo hướng Trung Quốc hòng trốn tránh. Sau gần 5 giờ rượt đuổi, lực lượng chức năng đã lần lượt khống chế được 2 tàu trên. Tiến hành kiểm tra tàu Quế Bắc Ngư Vận 33969, do ông Vương Phúc Toàn, (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, chỉ xuất trình được Giấy phép rời cảng, trên đó có ghi rõ “… vận chuyển 50 tấn dầu từ Vạn Gia-Quảng Ninh đi Bạch Long (Trung Quốc)”. Tuy nhiên, giấy rời cảng này đã hết hạn vào 18 giờ ngày 7-12-2011. Tiếp đó, lực lượng chức năng kiểm tra tàu Quế Bắc Ngư Vận 62089 do ông Lý Thanh Phúc (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, vận chuyển khoảng 60 tấn dầu Diesel không có hóa đơn chứng từ. Như vậy, tính đến 14-12-2012 (sau 2 ngày bắt giữ), Hải đội 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, phương tiện, các đối tượng nói trên để điều tra làm rõ. Cũng theo nhận định ban đầu của Hải đội 1, đây là việc lợi dụng kẽ hở chính sách hàng hóa thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, loại hình chuyển cửa khẩu để thực hiện hoạt động buôn lậu xăng dầu qua biên giới.. Trước đó ngày 5-12-2011, Hải đội 1 đã bắt giữ tàu Quế Bắc Ngư Vận 7678, vận chuyển 180 tấn dầu diezel (Báo Hải quan số 148 ra ngày 13-12-2011 đã đưa). Như vậy, sau 1 tuần mở rộng điều tra, lực lượng Hải đội 1 đã tiếp tục bắt giữ 2 tàu chở dầu không có chứng từ hợp lệ, thu giữ 110 tấn dầu vận chuyển trái phép trên vùng biển Việt Nam. Quang Hùng |