Tháng 4-2014, hai cơ quan đã tổ chức hội thảo giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp về sự hợp tác này và chính thức áp dụng việc công nhận lẫn nhau của 2 chương trình trên từ ngày 29-4-2012.
Cơ quan Hải quan và KMar có nhiệm vụ và chức năng khác nhau trong quản lý biên giới. Tuy nhiên, những nhiệm vụ đó đều hướng đến mục đích chung là tạo thuận lợi, an toàn cho sự di chuyển của người và phương tiện qua biên giới, ngăn chặn sự thâm nhập của các đường dây tội phạm vào trong lãnh thổ quốc gia.
Việc kiểm soát biên giới bao gồm kiểm tra, giám sát hàng hóa, hành khách, phương tiện trên các tuyến đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường sông. Quy trình quản lý còn bao gồm cả việc điều tra, ngăn chặn các đường dây tội phạm về sở hữu trí tuệ, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Hiện nay, KMar đang thực hiện chương trình “Đại diện hợp pháp/ Người ủy thác tin cậy” (RA/KC) trong khuôn khổ quy định của Liên minh châu Âu (EU). Chương trình này có tính chất gần giống với cơ chế doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt (AEO) mà Hải quan Hà Lan đang áp dụng. Chương trình RA/KC nhằm mục đích quản lý các nhà vận tải hàng không, đại lý hàng không, hãng giao nhận (RA) thực hiện kiểm tra an toàn hàng không đối với hàng hóa và thư tín, bưu phẩm, bưu kiện.
Người ủy thác tin cậy (KC) là người gửi hàng chấp hành đầy đủ các quy định chung về an ninh trong quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu phẩm. Cả hai loại đối tượng trên đều được KMar hoặc cơ quan An ninh hàng không của thành viên EU cấp phép sau khi kiểm tra trực tuyến và kiểm tra điều kiện của kho hàng. Quy định quản lý RA/KC được nêu trong Chương 6 của Phụ lục trong Quyết định số 185/2010 của EU.
Trong khi đó, chương trình AEO được các cơ quan Hải quan trên thế giới áp dụng rộng rãi. Theo quy định của Hải quan châu Âu, có 3 loại AEO là: AEOC (thủ tục hải quan đơn giản), AEOs (an ninh và an toàn), AEOF (an ninh và an toàn với thủ tục hải quan đơn giản).
Năm 2010, Hải quan Hà Lan và Kmar ký kết dự án thí điểm nhằm cải thiện quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp. Trước hết, hai bên đối chiếu, so sánh các tiêu chí của 2 chương trình AEO và RA/KC. Sau đó, hai bên xem xét khả năng kết hợp các bước chung của 2 chương trình. Mục đích của dự án cho phép giảm thiểu những bước kiểm tra chồng chéo, giảm gánh nặng về thời gian và tài chính cho doanh nghiệp.
Trong dự án thí điểm, có 5 doanh nghiệp (xuất khẩu, nhập khẩu và giao nhận) được các chuyên gia Hải quan và của KMar kiểm tra để giúp thống nhất các tiêu chí của 2 chương trình. Tất cả các câu hỏi của Kmar được chuyển tới Trung tâm hải quan quốc gia về AEO (tại Rotterdam)- là đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan đến AEO, để so sánh, đối chiếu.
Đồng thời, các câu hỏi của Hải quan Hà Lan liên quan đến RA/KC được chuyển đến đơn vị đầu mối của Kmar để giải đáp. Tiếp theo, hai bên đối chiếu các mẫu đăng ký tham gia chương trình AEO và RA/KC để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu quản lý cũng như thông tin thu thập được sẽ phục vụ hiệu quả cho việc điều tra (nếu có) sau này. Đối với những trường hợp nghi vấn, Hải quan Hà Lan và Kmar trao đổi thông tin và có kế hoạch phối hợp kiểm tra trong cả năm.
Hai cơ quan đều sử dụng website để công khai các thông tin đặc biệt về chương trình AEO và RA/KC, các điểm khác biệt giữa 2 chương trình và trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc thực hiện an ninh hàng không.
Cả 2 chương trình trên đều được triển khai ở cấp quốc tế. AEO được thực hiện trong khuôn khổ Khung An ninh và Tạo thuận lợi (SAFE) của WCO còn RA/KC được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Do đó, WCO và ICAO cũng đã có kế hoạch hợp tác ở cấp độ quốc tế trong bảo đảm an ninh hàng không. Trong phạm vi EU, với sự tham mưu của Tổng cục Thuế và Liên minh Hải quan EU, đã có 1 kế hoạch hành động thống nhất 2 chương trình AEO và RA/KC. Những kết quả của dự án thí điểm của Hà Lan được sử dụng cho việc định hướng phối hợp giữa 2 chương trình.
Trong thời gian tới, Hải quan Hà Lan và Bộ An ninh và Tư Pháp sẽ tập trung vào những điểm chính như: kiểm tra quy trình vận chuyển hàng hóa đường hàng không dựa trên những “dữ liệu thô” của hãng giao nhận để phân tích phục vụ quản lý rủi ro. Dữ liệu này được gọi là “dữ liệu 7+1” (gồm 7 yếu tố: tên người ủy thác, người được ủy thác, mô tả hàng hóa, trọng lượng, số lượng…) và mã số nhận dạng (ví dụ: số vận đơn…).
Hải quan Hà Lan cũng dự thảo một dự án hợp tác trao đổi dữ liệu với Bộ An ninh và Tư pháp để có được những dữ liệu chất lượng trước khi các giao dịch được tiến hành, phục vụ hiệu quả cho việc quản lý biên giới./.