Giảm 1.288 cấp tổ trong cơ cấu tổ chức KBNN cấp huyện
Từ 1/10/2017, KBNN đã thực hiện thống nhất đầu mối KSC. Đến nay, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách thì tổ chức bộ máy của KBNN cấp huyện cũng được tinh gọn.
Theo báo cáo của KBNN, tính đến thời điểm hiện tại, trong toàn hệ thống KBNN đã giảm được 1.288 cấp tổ và không còn cấp tổ trong cơ cấu tổ chức của KBNN cấp huyện. Đồng thời, các đơn vị KBNN cấp tỉnh đã tuân thủ theo đúng quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN, công tác KSC NSNN đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo thời gian xử lý hồ sơ theo quy định...
Theo báo cáo của KBNN, việc triển khai thực hiện thống nhất đầu mối KSC đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong hoạt động giao dịch, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước với KBNN. Các đơn vị, khách hàng chỉ phải gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến một công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi của KBNN, nơi đơn vị mở tài khoản (bao gồm cả hồ sơ chi đầu tư và chi thường xuyên), đồng thời nhận lại kết quả từ chính công chức KSC đó.
Bên cạnh đó, việc luân chuyển chứng từ chi NSNN trong nội bộ KBNN (giữa kiểm soát chi và kế toán) được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống TABMIS, nên có sự kiểm soát, giám sát của lãnh đạo đơn vị KBNN, đảm bảo việc xử lý hồ sơ, chứng từ được nhanh, kịp thời. Nhiều khoản chi, nhất là các khoản chi thường xuyên, chi an sinh xã hội, chi bằng tiền mặt, v,v... theo đề nghị của đơn vị đã được xử lý ngay trong ngày.
Ghi nhận ý kiến của nhiều khách hàng đến giao dịch tại các đơn vị KBNN, phần đông ý kiến rất đồng tình, ủng hộ việc triển khai đề án. Đồng thời, do đã được thông tin, tuyên truyền từ trước tại đơn vị được thí điểm nên khách hàng không bất ngờ và cảm thấy hài lòng về chủ trương thống nhất đầu mối kiểm soát chi của KBNN.
Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở ghi nhận những khó khăn, vướng mắc từ phía các đơn vị cũng như khách hàng, KBNN đã ban hành quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN tại KBNN cấp huyện không có tổ chức phòng theo hướng: Không phân định trách nhiệm của chuyên viên KSC hay kế toán viên trong quy trình KSC mà áp dụng mô hình giao dịch viên.
Theo mô hình này, quy trình thực hiện giảm được từ 5 bước xuống 3 bước, không phải bàn giao chứng từ giữa chuyên viên KSC và kế toán viên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát thông qua việc đưa kế toán trưởng tham gia vào quy trình kiểm soát. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt áp lực cho công chức làm nhiệm vụ KSC tại KBNN cấp huyện, nên được sự đồng thuận của các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống.
Phân cấp, ủy quyền trong thực hiện KSC
Theo ý kiến phản hồi tại các đơn vị, khó khăn chung hiện nay mà các đơn vị KBNN cấp tỉnh đều đang gặp phải đó là việc luân chuyển chứng từ, bàn giao chứng từ đi, đến trong nội bộ giữa hai phòng KSC và kế toán mất rất nhiều thời gian. Hiện quy trình KSC phải thực hiện qua các bước: Chuyên viên KSC nhận hồ sơ rồi chuyển cho lãnh đạo phòng KSC (đối với KBNN tỉnh và KBNN quận có phòng KSC) rồi lại chuyển cho lãnh đạo KBNN tỉnh/huyện, sau khi lãnh đạo KBNN kiểm soát xong sẽ chuyển lại cho kế toán viên kiểm tra lại, cuối cùng chuyển về cho kế toán trưởng để ký lệnh chuyển tiền cho khách hàng. Do đó, đã tăng thêm khối lượng công việc do số lượng chứng từ chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn (chiếm khoảng 96%) so với số lượng chứng từ chi ngân sách. Đặc biệt vào những tháng cao điểm, lượng chứng từ tăng nhiều, việc bàn giao chứng từ càng mất nhiều thời gian, tiềm ẩn nguy cơ thất lạc chứng từ và tăng khối lượng công việc.
Việc thực hiện thống nhất đầu mối KSC đã giúp tiết kiệm nhân lực, tạo thuận lợi cho khách hàng. Với mục tiêu rút ngắn các bước thực hiện trong quy trình chi NSNN, giảm thời gian xử lý công việc, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn và sử dụng có hiệu quả, KBNN đã đề xuất một số phương án khắc phục khó khăn trong thời gian tới.
Theo đó, KBNN sẽ phân cấp, ủy quyền trong công tác KSC NSNN tại các KBNN cấp tỉnh gắn với mô hình thống nhất đầu mối KSC và thực hiện giải thể phòng giao dịch. Lãnh đạo phòng KSC sẽ thực hiện kiểm soát, ký chứng từ và các bảng đối chiếu tại KBNN tỉnh với vai trò giám đốc nhằm giảm tải khối lượng lớn công việc cho lãnh đạo KBNN tỉnh để tập trung vào chức năng quản lý và thực hiện KSC các khoản chi có giá trị lớn (đối với chi thường xuyên) và kiểm soát chi đầu tư dự án.
Ngoài ra, việc phân cấp, ủy quyền này sẽ đảm bảo mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện, rút ngắn các bước trong quy trình chi NSNN và giảm áp lực cho lãnh đạo địa phương và công chức làm công tác KSC.