Theo Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 3 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đang có chiều hướng gia tăng ở người trẻ tuổi. Đây là bệnh không lây dẫn đầu với tỷ lệ tử vong hơn 40%. Số ca mắc bệnh tim mạch gia tăng mỗi năm trung bình khoảng 10-20%.Trung bình mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200.000 người, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nước ta. Trước đây, nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não thường chỉ gặp ở những người từ 50 tuổi. “Hiện nay bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch là béo phì, stress, nghiện thuốc lá, rượu bia, thức ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng nhiều thịt ít rau, lười vận động…”, Bác sĩ Trần Hoán Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết. Bệnh tim mạch thường diễn biến âm thầm. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh tim mạch nhưng không gây đau đớn, người mắc bệnh vẫn phải đi làm, sinh hoạt bình thường nên chủ quan. Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch là người cao tuổi. Đối tượng này dễ mắc bệnh tim mạch do mạch máu bị tổn thương dần theo thời gian, thường xuất hiện các mảng xơ vữa bám trong thành mạch. Điều này gây ra tình trạng hẹp mạch hoặc tắc mạch máu. Bên cạnh đó, nhóm bệnh nhân béo phì hoặc có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu hoặc những người có người thân mắc bệnh lý tim mạch cũng là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch. Bác sĩ Trần Hoán Toàn cho biết: “Trẻ hoá bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hoá khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật. Bên cạnh đó, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch...”. Người dân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị có hiệu quả các bệnh lý tim mạch. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, để giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, mỗi người dân cần nhận diện nguy cơ tim mạch và tìm cách kiểm soát chung như có chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn, nên ăn dướ 5g muối mỗi ngày (tương đương với 1 muỗng cà phê). Ngoài ra, cần ăn các loại thức ăn nhiều chất xơ… Tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh vì các thức ăn này có hàm lượng muối cao, giàu chất béo… có thể làm tăng huyết áp và gây nên các bệnh lý tim mạch. Tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày từ 30-60 phút sẽ giúp phòng, chống các bệnh lý tim mạch. Không hút thuốc lá (bao gồm cả thuốc lào, thuốc lá điện tử, shisha). Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh tim mạch gây nên. Nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Hạn chế rượu bia và tránh căng thẳng, lo âu quá mức./.
Lê Kim
|