Những thành công của hoạt động tài chính- ngân sách là động lực mạnh mẽ để ngành Tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh hơn,àichínhViệtNamviếttiếpchặngđườngpháttriểnmớkết quả hạng 2 đức hôm nay đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong thời gian tới.
Truyền thống là điểm tựa
Nhớ lại những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, ngân quỹ của quốc gia gần như trống rỗng, trong khi nhu cầu kiến thiết đất nước là rất lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, ngành Tài chính đã tiến hành cải cách hệ thống thuế cũ, bãi bỏ các thứ thuế bất hợp lý và xây dựng một chế độ thuế mới. Đồng thời, khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc thông qua việc phát động thành lập các Quỹ như: Quỹ độc lập, Tuần lễ vàng, Hũ gạo kháng chiến… Và cứ thế, ngân khố quốc gia đã được gây dựng từ sự chắt chiu đó.
Khó có thể kể hết được những việc đã làm trong chiều dài 70 năm qua. Tuy nhiên, ở mỗi một thời điểm, những người làm công tác tài chính đã có những sáng kiến và chính sách tài chính phù hợp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Có thể kể đến như quốc sách hàng đầu gắn sản xuất và tiết kiệm; xây dựng và thi hành chính sách tăng thu, giảm chi, thống nhất quản lý thu, chi tài chính; phát triển hài hòa các chính sách thuế, trong đó có chính sách thuế nông nghiệp theo phương châm vừa động viên, vừa bồi dưỡng, góp phần quan trọng vào việc bình ổn vật giá và tích lũy vốn cho Nhà nước…
Dấu ấn trong quá trình phát triển của ngành Tài chính không thể không nhắc tới chặng đường 30 năm Đổi mới. Ngành Tài chính đi đầu trong cải cách, đổi mới và hội nhập, khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn viện trợ phát triển chính thức để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Đồng thời, đã tiến hành những bước đột phá trong cải cách hệ thống chính sách thuế tạo kết quả tích cực giúp thu NSNN tăng nhanh qua các năm. Những năm gần đây, ngành Tài chính đã xác định luôn đồng hành cùng DN trong cải cách thủ tục, tạo môi trường cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và coi đó là giải pháp căn cơ để nuôi dưỡng nguồn thu.
70 năm qua, cùng với việc kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, một nhiệm vụ quan trọng đó là ngành Tài chính đã hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ về quản lý tài chính - NSNN, thuế, thị trường tài chính, giá cả, dự trữ, công sản, tài chính doanh nghiệp… Tiềm lực tài chính Nhà nước ngày càng được củng cố và lớn mạnh, đã đóng góp vai trò to lớn vào những thắng lợi trong suốt sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. NSNN đảm bảo chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. An ninh tài chính được giữ vững với mức bội chi trong phạm vi kiểm soát; dư nợ chính phủ ở ngưỡng an toàn đã góp phần làm ổn định cân đối kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, hệ thống thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính được hình thành và phát triển, cơ cấu, quy mô, phạm vi hoạt động được mở rộng và đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã chủ động và đạt được nhiều bước tiến dài trong hội nhập quốc tế về tài chính, tham gia tích cực, có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương, đa phương góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...
Muốn thành công phải ra biển lớn
Trong thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo, cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều kỳ vọng nhiều ở ngành Tài chính. Nếu những năm qua, ngành Tài chính đã đạt được mục tiêu kép khi vừa hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, vừa hỗ trợ về chính sách thuế cho người dân và DN thì thời gian tới, nhiệm vụ của ngành Tài chính vẫn “nặng gánh hai vai”.
Nhiều mục tiêu đặt ra cho ngành Tài chính đến năm 2020. Ví như: Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân 20-21% GDP (trong đó, huy động từ thuế, phí khoảng 19-20% GDP); tỷ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2020 đạt khoảng 80% tổng thu NSNN. Đồng thời, phải giảm mức bội chi NSNN xuống 4% GDP vào năm 2020; nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP; dư nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP; dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN hàng năm không vượt quá 25%. Hay đến năm 2020, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 1,5% GDP...
Cùng với đó, yêu cầu cải cách đồng bộ trong các lĩnh vực tài chính- ngân sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đặt ra những yêu cầu không nhỏ mà các đơn vị thuộc Bộ như Thuế, Hải quan phải “gánh vác”. Đó là: Đến năm 2020 thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu tương đương hải quan các nước tiên tiến, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan. Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, tiến tới kết nối Cơ chế một cửa ASEAN. Từ năm 2016 trở đi, thời gian thực hiện thủ tục thuế tương đương các nước ASEAN-4...
Không thể vì khó mà không làm. Bởi vì nếu nhìn vào các con số trên đây sẽ thấy một lượng công việc rất lớn và đầy rẫy những khó khăn, thách thức đối với ngành Tài chính. Trong khi tỷ lệ huy động từ thuế, phí giảm đi thì yêu cầu về thu ngân sách vẫn lớn nhằm đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết. Cân đối ngân sách phải tốt hơn khi yêu cầu bội chi giảm xuống, đồng thời giảm nhanh các chỉ tiêu về nợ công... Bên cạnh đó, hội nhập sâu rộng sẽ khiến ngành Thuế, Hải quan phải đổi mới cung cách phục vụ, cải cách thủ tục tạo thuận lợi cho người dân và DN ở mức các nước tiên tiến trong khu vực.
Để thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, thời gian tới ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và yêu cầu hội nhập quốc tế phục vụ cho việc giải phóng lực lượng sản xuất, huy động và khơi thông các nguồn lực trong và ngoài nước; tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia đủ mạnh, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực điều tiết vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Chính sách tài chính quốc gia phải động viên hợp lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, thực hiện cân đối ngân sách tích cực, bảo đảm tỉ lệ tích luỹ hợp lý cho đầu tư phát triển, phấn đấu giảm dần bội chi ngân sách…
Nếu nhìn vào cung cách ngành Tài chính “ứng xử” đối với mục tiêu quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian nộp thuế, thời gian thông quan cho DN theo yêu cầu của Chính phủ vào đầu năm nay và kết quả nhìn thấy rõ sau vài tháng, hy vọng rằng, những mục tiêu khó sẽ đạt được trong thời gian tới. Bởi thành công lớn sẽ đến nếu biết dấn thân. Trong giai đoạn phát triển mới, ngành Tài chính phải phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Những điểm sáng được nhân dân, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đối với ngành Tài chính trong thời gian qua là nguồn động lực, sức mạnh để ngành Tài chính Việt Nam tiếp tục trên chặng đường phát triển mới.