(CMO) Từ lâu, áo dài đã trở thành biểu tượng của văn hoá dân tộc Việt Nam. Ngày nay, ngoài kiểu áo dài truyền thống được sử dụng trong lễ nghi, thì những người yêu chuộng mặc áo dài cũng biến tấu chiếc áo để phù hợp hơn khi sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt.
Biến tấu để hợp thời hơn…
Áo dài kiểu truyền thống tuy rất đẹp nhưng ít khi được mặc thành trang phục hàng ngày vì eo và ngực chặt, người mặc khó cử động, đặc biệt phải mang giày cao gót mới tôn lên dáng áo dài. Từ đó, nó trở nên bất tiện khi di chuyển bằng xe máy. Phụ nữ cũng khó linh hoạt trong cuộc sống. Nhất là ngày nay, người phụ nữ hiện đại tham gia mọi lĩnh vực trong cuộc sống, từ công việc hàng ngày, đi chợ, đón con, việc xã hội… Vì thế, người chuộng áo dài đã biến tấu với nhiều kiểu dáng cách tân khác nhau. Ðây là cách làm mới bắt buộc để hợp xu hướng, thị hiếu người sử dụng và thực tiễn hơn với mọi lứa tuổi.
Các bạn trẻ thích thú diện áo dài chụp ảnh. Ảnh: NHẬT MINH |
Thế hệ trẻ cũng có động lực và thích mặc áo dài hơn. Ngày nay áo dài được diện nhiều ở chốn công sở, các buổi chụp ảnh, dạo phố hay đi cà phê cùng bạn bè… Thậm chí, nhiều bạn trẻ thích hoài cổ còn rủ rê bạn bè thực hiện hàng loạt concept chụp ảnh với áo dài theo hướng cổ điển của những thập niên 80, 90. Có dạo phủ ngập các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram là những bộ ảnh áo dài độc, lạ và cực cá tính, làm nên phong cách riêng của nhiều bạn trẻ. Từ thị hiếu của giới trẻ, các cửa hàng thời trang cũng bắt tay cho ra đời vô vàn mẫu mã mới bắt kịp xu hướng.
Hoa hậu H’Hen Niê, đại sứ liên tục 3 năm của Lễ hội Áo dài, chia sẻ: “Áo dài ngày nay được các bạn trẻ yêu thích hơn xưa vì thiết kế thoải mái và phù hợp để diện trong nhiều hoàn cảnh, không gian hơn. Như Hen là người thường xuyên di chuyển nhiều nhưng vẫn thoải mái chọn áo dài. Mình linh hoạt trong cách chọn kiểu tay ngắn hay tay dài, suông hay chít eo… Chúng ta thấy trong vài năm qua, nhiều mẫu áo đẹp và lạ từ chất liệu đến kiểu dáng ra đời thường xuyên chứ không chỉ vào những dịp đặc biệt của nước mình. Nhất là vào ngày Tết, các bạn trẻ đã bắt đầu xem diện áo dài là hiển nhiên thay vì bị bắt ép như trước. Giới trẻ diện vừa thấy đẹp, vừa tạo ra xu hướng riêng cho chính độ tuổi của mình. Từ nhu cầu của các bạn trẻ cũng thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà thiết kế (NTK) và sự cung, cầu trong thời trang áo dài nhiều hơn”.
Hoa hậu H’Hen Niê, NSƯT Trịnh Kim Chi và nhiều sao Việt diện áo dài để hưởng ứng Tuần lễ Áo dài. |
Tín hiệu đáng mừng là áo dài không chỉ dành cho nữ, mà nam giới cũng diện áo dài nhiều hơn vì có khá nhiều kiểu dáng dành riêng cho cánh mày râu. Từng ngại mặc áo dài nhưng NSƯT Thành Lộc nay là fan của áo dài: “Ngày xưa tôi ngại mặc áo dài lắm, thấy nó yếu yếu thế nào. Nhưng xem lại nhiều ảnh xưa, tôi thấy áo dài khoác lên người đàn ông đẹp quá. Các nguyên thủ quốc gia đi kinh lý nước ngoài đều mặc áo dài. Tôi thấy người nước ngoài mặc áo dài thoải mái và đẹp như vậy, tại sao mình là người Việt Nam, là đàn ông Việt lại ngại mặc áo dài. Chính bản thân chúng ta tạo nên những rào cản về áo dài, chứ nó đẹp và dễ mặc trong nhiều không gian, thời gian”.
… Nhưng có chừng mực
Dù áo dài Việt Nam qua các thời kỳ có sự biến đổi qua nhiều kiểu dáng, chất liệu, từ hiện đại tới phá cách đến đâu vẫn giữ được nét uyển chuyển, quyến rũ nhưng kín đáo. Thế nhưng, có quá nhiều người lợi dụng hai chữ “cách tân” để biến áo dài trở nên kém sang, kém xinh và phản cảm với những cách cắt cúp thô kệch, chủ yếu khoe da khoe thịt.
NSƯT Thành Lộc chia sẻ: “Thời gian qua, có quá nhiều chiếc áo dài phản cảm xuất hiện trên đường phố. Tôi không thấy nó giống áo dài. Áo dài với tôi, chỉ cần hai tà áo là đủ, nhưng có những mẫu áo quá ngắn thì làm sao gọi nó là áo dài được. Tôi là nghệ sĩ nam đầu tiên cả nước cả gan mặc áo dài dự sự kiện văn hoá. Việc mặc áo dài khiến khách ngoại quốc dễ dàng nhận ra đặc trưng văn hoá Việt Nam, không thể lẫn lộn với các nước châu Á khác. Cá nhân tôi nghĩ nên để cho áo dài được là chính nó. Tôi muốn bản thân mình và các NTK truyền tải cho các bạn trẻ hiểu thế nào là diện áo dài đẹp. Tôi không tiếc nuối về những tà áo dài kín cổng cao tường thời trước. Bởi có những năm, áo dài tại Sài Gòn xuất hiện trong hình dáng rất sexy như khoét ngực, xẻ lưng sâu. Vì thời đó không có nhiều điều kiện để chụp lại nên thế hệ sau này không biết, nhưng với tôi, áo dài hở không phải là áo dài đẹp. Tôi hay nhớ về những người chị, về mẹ, về bà… từng mặc áo dài đơn giản vô cùng với những sắc màu đơn giản, nhưng tinh khôi, đẹp đến ngỡ ngàng. Thời trang cũng như một môn nghệ thuật, với tôi, những thiết kế đẹp và có giá trị phải quy về chữ tối giản và mộc”.
Trách nhiệm này phần nhiều thuộc về NTK. Họ sáng tạo nhưng kết quả không làm chiếc áo dài đẹp hơn mà trở nên phản tác dụng. Vì quá ham mê chạy theo xu hướng và muốn bán được nhiều hàng hơn, họ đã sản xuất nhiều mẫu hở hang phản cảm. Thậm chí, với chiêu trò truyền thông quảng cáo như tặng các hotgirl có thân hình bốc lửa diện để tạo trào lưu kích thích sự thích thú và chạy theo mốt của người nổi tiếng. Nhất là giới trẻ không cần biết mẫu mã đó có phù hợp với độ tuổi và hình thể của mình hay không? Chỉ cần mua về diện lên và rủ hội bạn thân đi quán cà phê hay dạo phố chụp hình sống ảo là được.
NTK Sỹ Hoàng chia sẻ: “Một sáng tạo nghệ thuật ở bất cứ lĩnh vực nào, trong đó có áo dài, nếu tốt sẽ được chấp nhận, ngược lại sẽ bị đào thải. Ðộ dài của thời gian mới là thước đo giá trị thực sự. Nghệ sĩ mặc áo dài phản cảm thì họ phải chịu sự phản đối từ khán giả và tự chịu trách nhiệm”.
Ðúng là áo dài cần sự trở mình để hợp thời đại, nhưng đừng bắt nó phải trở nên màu sắc và có quá nhiều kiểu dáng không phù hợp với giá trị của nó. Chúng ta có thể bị hút mắt ngay cái nhìn đầu tiên, nhưng về lâu về dài, một chiếc áo dài đơn giản sẽ tôn được mọi đường nét.
NTK Sỹ Hoàng khẳng định: “Cách tân là điều cần thiết, có thể giúp sản phẩm tiện dụng, phù hợp, tốt hơn. Không riêng gì áo dài, mà mọi thứ phải theo quy luật đó. Nhìn về lịch sử áo dài, sự cách tân là điều đang diễn ra. Nhưng khi cách tân phải giữ hồn cốt để không cần phải giải thích “đây là áo dài”. Ðiều này thể hiện tài năng, kiến thức, chuyên môn, cái tâm, cái tầm của người thiết kế”./.
Lam Khánh