Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm (thứ hai, từ phải qua) và đại biểu tham gia diễn đàn
Tham dự diễn đàn, về phía Trung ương có Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Tường Văn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Phan Đức Hiếu; Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Phạm Hoàng Mai và một số Bộ, ngành khác.
Diễn đàn cũng có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre,… Về phía tỉnh Long An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm; đại diện các Hiệp hội và các Hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, ngân hàng, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương cùng phân tích các góc nhìn về thách thức, bất cập trong hạ tầng và sự phát triển kinh tế Vùng. Đồng thời, diễn đàn cũng tập trung phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá toàn cảnh về hạ tầng, phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL, góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với các tỉnh, thành phố phía Nam.
Các ý kiến tại diễn đàn góp phần đóng góp vào những chính sách điều hành của Chính phủ, Bộ, ban, ngành, nhằm hoàn thiện xây dựng hệ thống hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, quy hoạch phát triển đô thị. Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế bứt phá cho ĐBSCL trong giai đoạn mới.
Đại biểu tham gia diễn đàn
Trong quyển kỷ yếu về diễn đàn có giới thiệu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính về phương hướng phát triển vùng ĐBCSL. Ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
ĐBSCL là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Chính vì vậy, mục tiêu đến năm 2030 của khu vực này là mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 phải đạt khoảng 6,5 - 7% năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới để khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững toàn vùng và của các địa phương trong thời gian tới.
Trong cuộc làm việc với các Bộ, ngành, địa phương tại TP.Cần Thơ gần đây, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nêu rõ, các Đại hội Đảng toàn quốc gần đây đã xác định phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc và năm 2030 có ít nhất 5.000km đường bộ cao tốc.
Theo đó, dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.
Những đột phá về hạ tầng giao thông và nhân lực sẽ giúp ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cũng giúp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, một trong những động lực phục hồi và phát triển KT-XH của đất nước.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, khu vực ĐBSCL quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575km và 3 tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591km.
Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km (trong đó có 80km đang được tiếp tục đầu tư để đạt tiêu chuẩn đường bộ cao tốc). Hiện có 8 dự án thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng.
Như vậy, dự kiến đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tại diễn đàn, Long An được đánh giá cao về thu hút đầu tư và còn nhiều dư địa để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế. Mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam. Tổng diện tích được quy hoạch để phát triển công nghiệp là 15.000ha, với 37 khu công nghiệp và 59 cụm công nghiệp đã được phê duyệt.
Long An luôn quan tâm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, hiệu quả và an toàn. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi, thường xuyên đối thoại, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình tìm hiểu, triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh./.
Trường Phúc - M.Hương