Những vụ việc đáng xấu hổ
Ngày 16-6-2011,ếtloạibỏtậtxấkq bd phan lan một người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay An Dương Vương, Sư Vạn Hạnh (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) thì bị 2 tên cướp từ phía sau giật giỏ xách. Nhờ nhanh trí người này đã giữ được túi, nhưng vì giằng co mạnh khiến túi bị rách và số tiền 50 triệu bay ra đường. Lợi dụng tình cảnh lộn xộn, nhiều người dân ào ra giữa đường nhặt số tiền bị rơi trước sự thẫn thờ và bất lực của nạn nhân.
Ngày 4-12-2013, tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm chiếc xe tải chở bia bị lật. Lợi dụng tình huống này, rất đông người đi đường đã chạy tới hôi bia mặc cho tài xế cố sức van nài, thậm chí gào khóc thảm thiết. Tuy nhiên, không một ai dừng lại hành vi hôi của mà tiếp tục nhặt, khuân vác từng thùng bia. Chỉ sau 15 phút, 1.500 thùng bia bị văng xuống đường đã bị gom sạch.
Ngày 12-9-2013, trước cửa UBND quận Ba Đình, Hà Nội, Đại sứ quán Hà Lan tổ chức phát tặng 3.000 chiếc áo mưa cho người dân, với mong muốn nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi đại biểu chưa nói hết nội dung thì hàng trăm người đã đổ xô lên sân khấu “cướp” áo mưa từ tay ban tổ chức.
Việc làm đẹp của lực lượng công an, dân quân thường trực và người dân địa bàn xã Minh Thắng (huyện Chơn Thành) hốt đá rơi vãi trên QL14 để đảm bảo an toàn giao thông ngày 25-5-2021 - Ảnh: ĐỖ TRÌNH
Ngày 20-7-2018, anh Hồ Bá Sơn điều khiển xe đầu kéo biển số 12C- 064.92 kéo theo rơ-móc container chở hoa quả chạy từ Thái Lan qua Lào về Việt Nam. Khi đi qua Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) thì xe bị lật. Tai nạn làm anh Sơn bị thương nặng, trong khi đó lại chỉ có một mình nên cả container măng cụt, trị giá khoảng 1 tỷ đồng, bị người dân hôi hết.
Ngày 10-6-2019, anh Tạ Hồng Dũng điều khiển xe tải chở 1.800 con vịt bị lật trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Vụ tai nạn khiến tài xế bị thương nhẹ ở chân, nhưng toàn bộ 1.800 con vịt trên thùng xe tải tràn xuống đường, chạy loạn trên quốc lộ. Sau khi xảy ra sự việc, rất nhiều người đến hiện trường chung tay tìm bắt số vịt còn sống, gom lại giúp người gặp nạn. Tuy nhiên, có nhiều người khác kéo đến hôi vịt.
Hôi của có thể bị phạt tù đến 20 năm
Theo từ điển tiếng Việt, hôi của (khẩu ngữ) là lợi dụng nhân lúc có sự lộn xộn để lấy tài sản của người khác. Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hôi của là một hành vi lấy cắp đồ của người khác do nhiều người thực hiện cùng một lúc. Hành vi xấu này xảy ra khi chủ tài sản không đủ khả năng bảo vệ tài sản của mình trước số đông nhiều người. Xét dưới góc độ đạo đức, đó là hành động phi nhân không thể chấp nhận được trong một xã hội có kỷ cương và hoàn toàn xa lạ với truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Và nghĩ sâu xa hơn, đó là “kết quả” của lối sống tầm thường, bẩn thỉu, tham lam, ích kỷ, trục lợi, mà đáng tiếc thay lâu nay cộng đồng dường như chưa đặt thành một tiêu chuẩn đạo đức để điều chỉnh hành vi từng cá nhân. Còn dưới góc độ pháp luật, hôi của là hành vi lợi dụng việc người khác lâm vào tình trạng bất khả kháng, như bị tai nạn dẫn đến bị thương nặng, bị ngất, thậm chí đã chết… để lấy đồ đạc, tiền bạc. Đây là hành vi trộm cắp tài sản, cướp của cần được trừng trị đích đáng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi hôi của với số tiền nhỏ hơn 2 triệu đồng thì căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1-2 triệu đồng. Nếu hành vi công nhiên chiếm đạo tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác trong hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, tại Điều 172 của bộ luật này có quy định: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh mức hình phạt nêu trên, điều luật này còn quy định 3 khung hình phạt nặng hơn, cụ thể: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; Khung hình phạt cao nhất cho tội này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người hôi của còn có thể bị truy tố với tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nhìn thẳng vào cái “xấu”
Con người sinh ra không ai là hoàn hảo cả. Ai cũng có những khuyết điểm của riêng mình. Nhưng sửa chữa và khắc phục những khuyết điểm ấy như thế nào lại là do ý chí, suy nghĩ của mỗi người. Và điều quan trọng hơn cả, dù là cá nhân hay tổ chức hoặc rộng hơn nữa là một dân tộc mà dám nhìn thẳng vào cái “xấu” của dân tộc mình để quyết tâm khắc phục thì đó là một cá nhân, một tổ chức, một dân tộc đã trưởng thành. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Muốn xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 6-9-2014), đã chỉ ra rằng: Phải đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, tiêu cực làm tha hóa con người và sớm có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Vì thế, cả cộng đồng dân tộc nói chung, mỗi con người nói riêng, nếu biết được những thói hư tật xấu còn tồn tại trong mình để kiên trì, kiên quyết tìm cách khắc phục, là một dấu hiệu tích cực để dân tộc ta, mỗi chúng ta ngày càng tiến bộ, văn minh, hoàn thiện. Một dân tộc dám nhìn thẳng vào cái “xấu xí” của dân tộc mình để khắc phục chính là một dân tộc đã trưởng thành.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân trong những năm tới là: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam… Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.
Như vậy, chủ trương, đường lối đã được Đảng ta chỉ rõ, vấn đề còn lại mỗi đảng viên và các cấp ủy đảng xây dựng giải pháp, quyết tâm như thế nào để nghị quyết của Đảng sớm thành hiện thực. Và trong quá trình thực hiện nghị quyết của Đảng, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là “gạn đục, khơi trong”, từ đó nhân lên những điều tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong nhân cách người Việt, cũng như chủ động phòng ngừa, chữa trị những thói xấu trong mỗi con người. Đây là việc làm bức thiết nhằm giúp mọi người dân có đủ khả năng miễn dịch để phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, con người Việt Nam.