VHO - Tối 9.11,ổcẩmvànhữngcâuchuyệtỷ số norwich chương trình nghệ thuật du lịch đặc sắc trong “Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” với chủ đề: “Sa Pa - Thổ cẩm miền sương mây” đã diễn ra tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai chỉ đạo Chương trình, ông Phạm Tất Thành, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai chủ nhiệm Chương trình. Song Hà Media là đơn vị tổ chức sản xuất và xây dựng kịch bản.
Dưới sự đạo diễn của NSƯT Nguyễn Việt Phong - Song Hà, biên đạo NSND Hữu Từ - Xuân Hạnh, Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Lào Cai; Nghệ sỹ Đặng Xuân Trường; nghệ sĩ sáo Mông - Giàng A Hải (dân tộc Mông sinh ra tại Bắc Hà, giải Nhất, Bảng Chuyên nghiệp Liên hoan Âm nhạc quốc tế Hong Kong khu vực Việt Nam năm 2024); TSAN Hải Yến; Người mẫu chuyên nghiệp Hà Nội; Nghệ nhân các dân tộc…
Lấy ý tưởng và chất liệu từ thổ cẩm các dân tộc Mông, Dao đỏ, Xa Phó, Giáy, Tày, các nhà thiết kế: Quang Huy, Minh Minh, Vũ Thảo Giang, Thổ cẩm Lan Rừng, Lương Thủy đã thiết kế các trang phục biểu diễn tại Chương trình.
Lào Cai, vùng đất của những áng mây ôm lấy đỉnh đèo, những ngọn núi thiêng chạm tới miền huyền thoại, miền đất của bạt ngàn nương rẫy bậc thang nối dài như dải lụa vàng, của tiếng suối rì rầm, của thanh âm sáo, khèn, kể câu chuyện ngàn đời, về những bản tình ca trong sương mây.
Lào Cai được giới thiệu là xứ sở của núi tuyệt đỉnh, của sông đầu nguồn. Vùng đất của những cánh rừng đại ngàn, những triền ruộng bậc thang, những mùa hoa mận, hoa lê trải dài trên sườn núi.
Điểm đến này hấp dẫn du khách không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên, mà còn vì văn hóa truyền thống đặc sắc. Cùng với tiếng nói và chữ viết, “trang phục thổ cẩm” là một thành tố thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người ở vùng đất này.
Mỗi tộc người ở miền đất yêu dấu này có những trang phục khác nhau, luôn rực rỡ sắc màu, phong phú kiểu loại, kết tinh sự khéo léo từ bàn tay và trí tuệ của người phụ nữ vùng cao. Đây chính là nơi gửi gắm ước mơ, nơi dệt nỗi nhớ thương, thêu niềm khát vọng. Mỗi người thợ thủ công là một nghệ nhân tài hoa, dệt nên những tấm thổ cẩm, kể chuyện về văn hóa ngàn đời của dân tộc mình.
Chương trình nghệ thuật du lịch đặc sắc trong “Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa”, chủ đề: “Sa Pa - Thổ cẩm miền sương mây” đã kể câu chuyện độc đáo ấy.
Lào Cai không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, mà còn bởi hồn cốt của những con người mộc mạc, chân tình, giữ trong tim những giá trị văn hóa đặc sắc. Nơi đây con người và cảnh sắc hòa quyện và nương tựa vào nhau, tạo nên nhịp sống vui tươi, trong sáng.
Thị xã Sa Pa được mệnh danh là thành phố trong mây, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa nổi tiếng được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia mang tầm quốc tế.
Nơi đây mây trời gió núi hòa quyện, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, bốn mùa hoa trái làm say đắm lòng người. Sa Pa còn là nơi hội tụ sự đa dạng văn hóa của các dân tộc. Con người ở đây sống với mây, hoà trong mây, lãng đãng thả hồn mình lúc bí ẩn, nhạt nhòa, lúc tỏa sáng, hòa quyện cùng mây.
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên ưu đãi ban tặng mà Sa Pa còn nắm giữ tri thức bản địa trong canh tác nông nghiệp và nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề dệ thêu thổ cẩm truyền thống của người Mông, người Dao, người Xá Phó, người Tày, người Giáy…, tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu thổ cẩm của Lào Cai giữa vùng cao Tây Bắc.
Từ đời này sang đời khác, người già lưu giữ và truyền lại cho con cháu muôn đời sau. Cứ như thế, kho trầm tích văn hóa dân gian trong những vùng đất, những bản làng luôn đầy ắp những giá trị nhân văn, luôn đa dạng những loại hình và được bồi đắp theo tháng năm.
Trước nhà Thờ Đá, đường lên Hàm Rồng, lên đỉnh Fanssipan, hay xuống Bản Cát Cát và các bản xa, đâu đâu chúng ta cũng gặp người Mông. Ở Sa Pa, người Mông chiếm tỉ lệ đông nhất, bản làng của họ là những bản làng cổ, nổi tiếng với những nét đẹp độc đáo, bình yên.
Những dãy núi cao trùng điệp, những thác nước lung linh như Thác Bạc, Thác Tình Yêu, những ngôi làm bằng gỗ pơ mu, những ruộng bậc thang đẹp bốn mùa, sắc hoa đỗ quyên ngập tràn trên núi vào mùa xuân... những nghề thủ công truyền thống độc đáo và văn hóa truyền thống đa dạng được gìn giữ.
Trên khắp mọi nẻo đường ở Sa Pa, chúng ta luôn bắt gặp những người phụ nữ Mông tranh thủ tước và se các sợi lanh. Cứ thế, từ đời này sang đời khác, người Mông tự trồng lanh, dệt vải, thêu thổ cẩm và biến mình thành một trong những tộc người có đôi bàn tay khéo léo nhất.
Du khách sẽ được ngắm nhìn thiên nhiên tuyệt mỹ và bản làng dân tộc khi xuống bản Tả Van, Lao Chải, đi qua Bãi Đá Cổ xuống bản làng tựa lưng vào dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, được “ôm trọn” bởi thung lũng Mường Hoa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Sa Pa.
Thấp thoáng có những ngôi nhà nhỏ ẩn mình trong làn mây mù, đó nơi người Giáy và các dân tộc anh em sinh sống. Ở Sa Pa, người Giáy chỉ chiếm 2% dân số, họ thường lập bản ở dưới lòng thung lũng, bên bờ các suối lớn có đồng ruộng bằng phẳng.
Tất cả phác họa nên một bức tranh thiên nhiên non nước hữu tình, mây trời ý vị... Trang phục truyền thống của họ nhiều màu sắc và ít họa tiết thêu nhưng cũng rất đặc biệt, người Giáy sử dụng những gam màu rực rỡ, tương phản, được xem là một đặc điểm nổi bật về tiêu chuẩn cái đẹp của phụ nữ Giáy.
Người Xa Phó là dân tộc có số dân ít nhất của thị xã Sa Pa, họ cư trú tập trung chủ yếu ở Nậm Sài (nay là xã Liên Minh). Men theo những con đường để nhìn được toàn cảnh bức tranh thiên nhiên Nậm Sài; ngắm dòng suối len mình chảy qua những tảng đá, ngắm những nếp nhà nhỏ yên bình của người Xá Phó. Khám phá những thác nước tuyệt đẹp ở đây: thác Cá Nhảy, thác Ba Tầng và thác Nậm Ngấn.
Người Xá Phó có những nét văn hóa đặc sắc, trong phong tục tập quán, ẩm thực và đặc biệt trong kho tàng văn nghệ dân gian. Những làn điệu dân ca, dân vũ uyển chuyển, múa xòe, múa kéo sợi, múa gùi, múa đi lấy nước, múa khăn… và nhiều điệu múa khác đều mang cái tên thật gẫn gũi, giản dị.
Trang phục dân tộc Xa Phó, ấn tượng bởi sự cầu kỳ, tuyệt đẹp và đầy tính nghệ thuật, phản ánh thẩm mỹ và tính mỹ thuật rất cao, cho thấy được khát vọng sống mãnh liệt, của dân tộc mình.
Bản Hồ của người Tày bên dòng suối trong trẻo và ruộng mậc thang xanh mướt cùng những nếp nhà sàn an yên, mộc mạc. Du khách đến đây sẽ được tận hưởng không khí trong lành, ngắm cảnh đẹp mãn nhãn của núi rừng Tây Bắc và thưởng thức những món ngon đặc sản của người dân tộc Tày.
Những nếp nhà sàn truyền thống được làm từ gỗ, tre, nứa, các món ăn đậm đà hương vị của núi rừng như: cốm thơm mùi lúa nếp non hay là xôi 7 màu...
Người Tày ở Sa Pa còn lưu giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống như nghề trồng bông, dệt vải, nghề mộc và mây tre đan. Các sản phẩm bông vải của người Tày rất đẹp, đặc biệt các sản phẩm vải bông nhuộm chàm, thiết kế nhiều mẫu mã, hình thù độc đáo được du khách ưa thích.
Dạo bước xuống bản Tả Phìn để ngắm những nếp nhà của người Dao Đỏ, hòa quyện hoàn hảo giữa ruộng bậc thang xanh mướt, rừng thông bạt ngàn bồng bềnh trong sương.
Đi trong bản của người Dao đỏ, ta bắt gặp âm thanh thôi thúc phát ra từ những chiếc trống truyền thống, tiếng chạm khắc bạc leng keng, hay tiếng cười đùa nói chuyện rôm rả của các cô, các chị người dân tộc Dao đỏ…
Khắp bản làng, phố chợ, các bà, các chị ngồi thêu cần mẫn, nói cười róc rách như suối chảy. Có người bảo “họ ngồi thêu mà như đang múa. Họ nói cười mà như đang hát”, giản dị như những bông hoa rừng mang theo vẻ đẹp hồn nhiên và dung dị.…
Lào Cai với 25 nhóm ngành dân tộc anh em cùng chung sống, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng và phát triển vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Sa Pa, thành phố trong mây, không chỉ là vùng đất xinh đẹp do thiên nhiên, cảnh quan mang lại, mà còn hội tụ sự đa dạng văn hóa của các dân tộc.
Ai đã từng qua Sa Pa, Lào Cai, Tây Bắc, sẽ không khỏi say đắm và phải hẹn ngày trở lại. Tiếng khèn gọi bạn, những câu chuyện tình yêu trong phiên chợ tình; tiếng lòng tiếng đất trời được gửi gắm qua những sắc màu thổ cẩm và những câu chuyện kể.
Hình ảnh những người phụ nữ ngồi mải mê bên khung cửi hay say mê thêu những tấm vải thổ cẩm đầy sắc màu, ấn tượng trong tâm trí những lữ khách qua mỗi hành trình du lịch khám phá Sapa Lào Cai.
Chương trình có nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc: Múa hát Âm sắc Lào Cai, sáng tác Ngô Hồng Quang; Âm vang nhịp sống Lào Cai, âm nhạc Hồ Trọng Tuấn; Khuyên tai đồi con gái, âm nhạc Lưu Hà An, lời thơ Hà Thắng; Sáo Mông Tiếng rừng - Vấn vương chợ tình, sáng tác Thành Trung – Hoàng Bình; Sa Pa em thổ cẩm, sáng tác An Thuyên; Múa dân tộc Giáy, âm nhạc Phạm Công; Nhịp sống bản xa, âm nhạc: Đức Trịnh; Thời trang thổ cẩm dân tộc Tày, âm nhạc Phạm Công; Sắc màu, âm nhạc Đức Trịnh; hát múa Xoay cùng vũ điệu khèn mây,sáng tác và phối khí nhạc sĩ Minh Đạo...