Giữ nguyên đề nghị xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 | |
Giá gạo Thái cao nhất 6 năm, gạo Việt cao nhất gần 16 tháng | |
Thủ tướng yêu cầu xuất khẩu gạo phải thận trọng |
Dự kiến, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo trong năm nay. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Cơ hội từ Philippines, Trung Quốc
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân đánh giá, hiện nay Việt Nam có khá nhiều cơ hội xuất khẩu gạo, điển hình là với thị trường Philippines.
Philippines năm nay cần thêm 300.000 tấn gạo bởi họ chỉ có đủ gạo ăn trong 4 tháng. Philippines đã ký hợp đồng nhập khẩu 200.000 tấn gạo với Việt Nam nhưng tất cả đều đang bị ách lại.
“Tôi đã trao đổi với một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Philippines. Các doanh nghiệp phản ánh, gạo đã đưa ra tới cảng nhưng ách lại chờ lệnh của Thủ tướng mới có thể xuất khẩu. Do nhu cầu còn thiếu hụt, có thể Philippines sẽ mua thêm từ Việt Nam cho đủ 300.000 tấn gạo trong năm nay”, ông Võ Tòng Xuân nói.
Dù gạo bị ách lại đột ngột, song đến nay phía Philippines chưa có động thái hủy đơn hàng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Chuyên gia Võ Tòng Xuân phân tích, đó là bởi, thị trường xuất khẩu gạo lớn là Ấn Độ hiện nay cũng đang đóng cửa. Gạo Thái Lan đang ở mức giá quá cao nên Philippines vẫn đang chờ Việt Nam.
Ngoài Philippines, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam còn đến từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhiều năm gắn bó với ngành lúa gạo Việt Nam cho rằng, nhu cầu của Trung Quốc không mãnh liệt như Philippines.
“Nếu nhanh chóng quyết định cho tiếp tục xuất khẩu gạo thì Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội. Nếu dùng dằng quá lâu thì chúng ta sẽ mất cơ hội bởi hiện nay Philippines đang khá nóng lòng. Họ chỉ còn vài tháng là hết gạo”, chuyên gia Võ Tòng Xuân nói.
Dư lực xuất khẩu 6,5 triệu tấn
Dưới góc độ doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng hiám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) không giấu được lo lắng.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang hồi hộp chờ quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại bởi càng đợi lâu, doanh nghiệp càng 'chết'. Từ ngày 24/3 đến nay, các container gạo chưa xuất khẩu được lưu tại cảng hiện vẫn chưa thể xử lý. Mỗi ngày doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí lưu container, phải trả lãi ngân hàng, bồi thường thiệt hại cho đối tác…”, ông Bình nói.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, với sản lượng gạo hiện có như hiện nay, Việt Nam vẫn nên cho xuất khẩu gạo một cách có kiểm soát. Điều này giúp đón nhu cầu đang cao của thị trường, đồng thời khuyến khích người dân xuống giống vụ lúa Hè Thu, Thu Đông.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN&PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc.
Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.
Chuyên gia Võ Tòng Xuân bày tỏ quan điểm, mặc dù cần thận trọng để đảm bảo an ninh lương thực nhưng năm nay Việt Nam được mùa nên lượng xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn là phù hợp.
Về mặt giá cả, báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan kéo dài đà tăng trong tháng 3/2020 lên mức cao nhất trong vòng 6 năm; giá gạo Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong gần 16 tháng qua.
Cụ thể, gạo tiêu chuẩn 5% Thái Lan được chào bán ở mức 480 - 505 USD/tấn, tăng so với 460 - 467 USD/tấn đầu tháng. Giá gạo 5% tấm Việt Nam tăng lên 410 USD/tấn, tăng so với 400 USD/tấn đầu tháng. Gạo đồ 5% tấm Ấn Độ ở mức 363 - 367 USD/tấn, giảm so với 367 - 371 USD/tấn đầu tháng do tỷ giá đồng Rupee đi xuống và nguồn cung dư dả do giảm giao thương với Iran.
Chuyên gia Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: “Gạo Thái Lan đang tăng giá, nếu Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương cho tiếp tục xuất khẩu gạo, Việt Nam cũng nên nâng giá bán lên cho phù hợp. Mức nâng giá đảm bảo thấp hơn giá của Thái Lan khoảng 2-3% thì sẽ gia tăng tính cạnh tranh cho gạo Việt, chiếm được thị trường”.
Ngày 6/4, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2412/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hạn, xâm nhập mặn. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị, sau khi tính toán kỹ để đảm bảo an ninh lương thực, có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5/2020. Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 khoảng 800.000 tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5/2019; giảm 35,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2017. Đề nghị này của Bộ Công Thương hoàn toàn giống với quan điểm của Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo với Thủ tướng ngày 28/3 trước đó. |