23/5 trong đời sống thường nhật Tôi “cố tình” chọn con đường đi qua cầu Trường Tiền về nhà người bạn ở Lại Thế (xã Phú Thượng,ấtthủKinhđôHuếquanhữngđiệuvègiai vdqg y huyện Phú Vang) để “ăn kỵ 23/5”. Dọc đường, hương án được bày nghiêm trang dù là nhà dân hay công sở. Hơn 130 năm rồi, người Huế vẫn nhớ về biến cố thất thủ Kinh đô, sự kiện mà người thân của họ nằm xuống và đánh dấu một thời kỳ bi thương trong lịch sử dân tộc dưới quyền cai trị của thực dân Pháp. Bữa cơm gia đình người bạn mời bà con cũng là những món đã được “cúng” cho người nằm xuống. Mệ Nhơn (78 tuổi), cô của bạn tôi, nhắc đến sự kiện 23/5 bằng mấy câu vè: “Hãy còn có mặt mầy đây/Thành đô khôi phục nhớ ngày quảy đơm/Ví dầu dĩa muối bát cơm/Cô dì thúc phụ quảy đơm cho nhớ ngày”. “Người xưa đã bảo, lẽ nào mình không theo”, mệ Nhơn vừa đọc vè vừa nói. Đem câu chuyện biến cố hỏi người Huế trong những ngày này họ đều nhớ rõ, thêm vào đó là những câu vè: “Thiên hạ than khóc một khi/Người thời dắt mẹ kẻ thì bồng con/Của tiền như nước như non/Lạy trời miễn sống mình bòn còn ra”. Đa phần các ông bà lớn tuổi khi được hỏi đều cho biết đã được nghe về thất thủ Kinh đô qua những điệu vè. “Ở Huế thời ấy có người nhớ vè, nói vè chuyên nghiệp, đọc vè kiếm cơm tại công viên Thương Bạc, chợ Đồn (phường Phú Bình, TP. Huế)”, ông An (đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế) cho biết. Nhà thơ Xuân Diệu trong bài “Phố Đông Ba của tôi ngày bé” có viết: “Cuối phố gốc cây chiều chủ nhật/Là ông xẩm chợ với hai con/Kinh đô thất thủ vè quen thuộc/Lớn nhỏ ngồi nghe nặng trĩu buồn”. Nhưng vè thất thủ Kinh đô không chỉ được nhớ, truyền khẩu mà còn lưu truyền qua sách vở hàn lâm. Thầy Nguyễn Phố (TP. Huế) cho biết, đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cất công sưu tầm vè thất thủ Kinh đô như thầy Tôn Thất Bình (TP. Huế) nhưng tiếc là hiện thầy Bình không còn nhớ nhiều sau cơn tai biến cách đây nhiều năm. May mắn, sự kiện này đã có vè bằng chữ Nôm và cả bằng chữ Quốc ngữ do cụ Hoàng Trọng Thược sưu tầm, được thầy Lê Quang Thái chú giải và phân tích. Bi hùng Bên chén trà ở ngôi nhà người cháu trên đường Bạch Đằng, TP. Huế, thầy Lê Quang Thái vừa kể cho tôi nghe câu chuyện tập hợp và chỉnh lý vè thất thủ Kinh đô vừa nhắc đến sự bi hùng của biến cố này. Huế những ngày tháng 5 năm 1885 được sử sách ghi lại với tình cảnh “nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết/Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”. Qua những câu vè câu chuyện chuẩn bị lực lượng của phe chủ chiến được diễn tả sinh động: “Đông Ba năm vệ Tiền phòng/Cửa Trài, Trường Định võ phòng dàn ra/Cửa Hậu lên cửa An Hòa/Bảo quân mười vệ vậy mà phân hai/Cửa Hữu năm vệ hùng oai/Chánh Tây có lính pháo đài súng cơ…”. Cùng thời điểm vua Hàm Nghi và đoàn hộ giá trên đường ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị), dân chúng kinh thành Huế chịu cảnh thê lương bởi bàn tay quân Pháp, hàng nghìn người đã chết trong thời khắc ấy: “Đánh cho thiên hạ bại tan/Lâu đài xiêu méo chẳng an bề gì/Đánh cho thiên hạ bại suy/Người thời chết mẹ, kẻ thì chết cha/Người thời cháy cửa cháy nhà/Chết con chết vợ khổ mà sanh sơ/Ông bà không chốn phụng thờ/Vô phương sanh lý trời ơi hỡi trời”. Phải là người trong cuộc, chứng nhân thời loạn mới có những tình tiết đầy bi thương ấy. Vè thất thủ Kinh đô dài hơn 1770 câu, theo thể thơ lục bát điểm xuyết một vài câu phá cách biến thể, được gọi bằng thuật ngữ chuyên môn là “lớp”, lớp 1 là vè thất thủ Thuận An và lớp 2 là vè thất thủ Kinh đô. Tác giả của vè này là những người vô danh thuộc nhiều giai tầng xã hội hợp soạn. Thành Nhân |